Nhà nội đô dù chật chội, hạ tầng thiếu đồng bộ song vẫn là ước mơ của nhiều người lao động, nhất là các cặp vợ chồng trẻ vì tiện lợi cho sinh hoạt hàng ngày, đi làm, đi học. Vợ chồng anh Nguyễn Duy Tuấn ở Phan Đình Giót, Hà Nội là một trường hợp như thế.

5 năm trước, vợ chồng anh Tuấn mới cưới nhau và chỉ có trong tay 200 triệu đồng. Khi ấy, anh Tuấn làm nhân viên điện lực, lương tháng 8 triệu. Còn vợ anh làm nhân viên PR - Marketing lương tháng 12 triệu. Tổng thu nhập của vợ chồng trẻ này được khoảng 20 triệu/tháng nếu đi làm đủ ngày công.

Vì đều là những người từ quê lên thành phố ở trọ đi làm nên vợ chồng trẻ này luôn khát khao có một căn nhà nhỏ trong nội đô để tiện di chuyển hàng ngày. Tuy nhiên, họ chẳng bao giờ dám nghĩ tới bởi ước mơ đó quá xa vời khi nhìn vào thu nhập và số tiền ít ỏi có trong tay.

{keywords}
Mua đất dịch vụ rồi bán đi, vợ chồng anh Tuấn mua được nhà nội đô (ảnh minh họa)

Nhưng cơ duyên tới với anh chị khi người nhà một đồng nghiệp của vợ anh Tuấn bên Mê Linh thổ lộ muốn bán mảnh đất dịch vụ 50m2 vừa mới được phân lô với giá 800 triệu.

“Do nhà chị này quá cần tiền nên bán giá rẻ. Thửa đất có diện tích 50m2, mặt tiền 4m, hướng Tây Bắc. Đường phân lô 12m. Gần trường mầm non. Vợ chồng mình quyết định mua vì tin tưởng chị đồng nghiệp rất thật thà, chứ mảnh đất đó chưa có sổ đỏ chính chủ. Nhờ thế mà giá mảnh này rẻ khoảng 300 triệu so với đất đã có sổ”.

Để có thêm 600 triệu để mua đất, vợ chồng anh Tuấn phải vay mượn nhiều nơi: vay người thân được 200 triệu không phải trả lãi, số còn lại 400 triệu vay ngân hàng trong vòng 5 năm, lãi suất trung bình 12%/năm.

Mỗi tháng, vợ chồng anh Tuấn phải trả gốc và lãi hơn 10 triệu đồng theo dư nợ giảm dần, càng về sau số tiền phải trả hàng tháng càng giảm.

Từ ngày mua đất, vợ chồng anh phải tằn tiện chi tiêu hàng ngày để tích lũy. Mỗi tháng, anh chị cùng một con nhỏ tiêu hết tầm 8-10 triệu. Số tiền còn lại chỉ đủ trả lãi ngân hàng.

“Thấy như vậy không ổn, mình bắt đầu nhờ bác ruột dạy thêm nghề sửa chữa điện lạnh, điện nước. Cứ mùa hè, mình lại nhận sửa chữa thêm đồ điện tử, điện lạnh. Nhà ai có điều hòa, máy giặt, ti vi, tủ lạnh hỏng là mình nhận sửa hết. Mùa đông ít khách, mình đi làm điện nước thêm với bác vào buổi tối hoặc 2 ngày cuối tuần. Thu nhập nhờ đó mà được cải thiện rõ rệt. Có tháng ít cũng được vài triệu, tháng nhiều được 10 triệu tùy việc nhiều hay ít”, anh Tuấn kể.

{keywords}
Căn nhà 30m2 nhưng gần trung tâm, tiện cho việc đi làm, đi học (ảnh minh họa)

Mua đất dịch vụ được khoảng 2 năm thì có đợt làm sổ đỏ. Tiền làm sổ đỏ không hết nhiều, tuy nhiên, vợ chồng anh Tuấn biếu thêm chủ nhà cũ 50 triệu nữa để họ ký các giấy tờ, tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng, làm sổ đỏ thuận lợi vì trước đó họ bán đất cho mình đã rẻ rồi. Chưa kể, sau 2 năm mảnh đất dịch vụ này giá đã tăng gấp đôi.

Ba năm sau khi mua đất dịch vụ và làm sổ đỏ, vợ chồng anh Tuấn đã trả hết 600 triệu nợ ngân hàng và người thân. Sau đó, cả hai lại bước vào hành trình kiếm tiền để xây nhà.

“Lúc này con cũng lớn, đã đi lớp và được bà ngoại lên trông đỡ nên hai vợ chồng tập trung cho công việc. Lương tháng của vợ tăng lên 15 triệu/tháng. Ngoài ra, vợ mình cũng làm thêm được khoảng 3-4 triệu/tháng nữa. Còn mình thì vẫn vậy, vẫn đi làm và làm thêm như trước. Thu nhập của hai vợ chồng được khoảng 30-35 triệu/tháng. Chúng mình cố thu vén trong 10-15 triệu, số tiền còn lại để dành tiết kiệm xây nhà”, anh Tuấn tâm sự.

Sau 2 năm tích cóp, vợ chồng trẻ này đã có trong tay khoảng 500 triệu đồng. Anh chị định vay mượn thêm người thân rồi xây nhà 2-3 tầng để ở, song thấy giá đất dịch vụ tăng chóng mặt và cũng lên đến đỉnh điểm, có dấu hiệu bắt đầu chững lại nên quyết định bán mảnh đất với giá 2,3 tỷ.

Khi đó, anh Tuấn bắt đầu tìm nhà trong nội đô. Cuối cùng, anh chốt mua căn nhà 5 tầng, 30m2 nằm trong ngõ 2,5m ở phố Phan Đình Giót (Hà Nội) với giá 2,7 tỷ đồng.

“Mình không thích nhà chung cư nên cố tìm mua nhà mặt đất. Mua nhà xong còn thừa đúng 100 triệu, hai vợ chồng để dành mua nội thất. Đến nay, chúng mình đã về ở trong căn nhà mới khang trang giữa Hà Nội. Vợ chồng đi làm, con nhỏ đi học đều tiện lợi, không phải đi xa tận mười mấy km/ngày nữa”.

Chia sẻ về hành trình 5 năm đi đường vòng để cuối cùng có căn nhà nội thành Hà Nội dù ban đầu trong tay chỉ có 200 triệu, anh Tuấn cho rằng do may mắn nên biết tới mảnh đất dịch vụ kia. Thực tế, rất nhiều người mua đất ở ngoại thành nhưng vài năm sau, họ đã lãi gấp đôi.

“Nói chung, cứ cố gắng và thức thời một chút thì mình tin kiểu gì cũng vuông tròn hết. Người có 10 tỷ hay có 2-3 tỷ hoặc có 200-400 triệu rồi cũng có nhà nếu biết xoay xở. Có điều người ta nhiều tiền thì đi đường thẳng, mình ít tiền phải chạy đường vòng”, anh Tuấn đúc kết.

Thảo Nguyên