Hơn 2.000 điểm mua bán vàng miếng đạt các điều kiện theo quy định sẽ được cấp phép trong thời gian tới.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chiều ngày 27/12 cho biết, sắp sẽ cấp phép cho 14 doanh nghiệp và 17 TCTD đáp ứng các điều kiện tham gia kinh doanh, mua bán vàng miếng. Như vậy, trên 63 tỉnh thành cả nước sẽ có trên 2.000 điểm giao dịch vàng miếng theo đúng chuẩn.

Xóa dần vàng hóa

Bên cạnh đó, để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của người dân đối với vàng miếng, việc mua bán, nắm giữ, được bảo đảm an toàn thông qua dịch vụ giữ hộ của các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ được NHNN đang tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng.

Cũng theo NHNN, từ ngày 10/1/2012, các TCTD, doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng do NHNN cấp sẽ không được phép thực hiện kinh doanh mua bán vàng miếng.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ Trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho hay: Trong năm 2013, NHNN tiếp tục thực hiện lộ trình xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế và quản lý chặt thị trường vàng để hạn chế đầu cơ, làm giá.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, NHNN không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, không thực hiện bình ổn giá vàng nhưng hầu như không diễn ra việc thu gom ngoại tệ trên thị trường tự do để nhập lậu vàng qua biên giới. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng”, ông Huy cho biết thêm.

Và để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển hóa quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ quá trình tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD. NHNN cũng sẽ áp dụng các biện pháp đẩy nhanh tiến độ gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng thương hiệu khác để hỗ trợ cho các TCTD có nguồn vàng chi trả cho các khoản huy động, giữ hộ đến hạn.

Theo ông Huy, “khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, nhằm thực hiện giai đoạn cuối cùng về xóa bỏ vàng hóa nền kinh tế, Nhà nước huy động nguồn lực vàng trong nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và việc phát triển kinh tế đất nước. Lúc đó, NHNN sẽ tham gia vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, bảo đảm sự lưu thông của thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước”.

Bình ổn không có nghĩa là liên thông giá vàng

Trong khi đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh,  Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng không đặt vấn đề giá trong nước phải sát giá thế giới, mà chỉ đặt mục tiêu ổn định giá vàng để ổn định kinh tế vĩ mô. Còn chênh lệch vừa qua do có nguyên nhân khách quan, nhưng nó không gây ra những cơn sốt vàng như những năm trước đó. Nhu cầu mua vàng của người dân vẫn có, nhưng không sốt. Sở dĩ không sốt vì đối tượng mua vàng là ai, là chính các TCTD mua vàng vào để tất toán trạng thái, nhu cầu này lớn chứ không nhỏ.

Hiện nay, giá vàng trong nước cao hơn thế giới 5 triệu đồng/lượng, nhưng cũng không gây ảnh hưởng gì đến kinh tế vĩ mô. Vàng miếng không phải là mặt hàng quốc kế dân sinh, thiết yếu, trong luật Giá không quy định thuộc diện hàng bình ổn. Đất nước còn nghèo nếu cứ phải bình ổn cho sát giá thế giới chỉ tạo cơ hội cho mấy ông kinh doanh vàng đầu cơ, kiếm lợi.

Trong năm tới, việc quan trọng nhất là phải chuyển toàn bộ quan hệ vay mượn vàng sang quan hệ mua bán, khi các NH hoàn tất việc đóng trạng thái, chấm dứt huy động vàng. NHNN sẽ ra tay kiến tạo thị trường với mục đích tăng thêm dự trữ quốc gia bằng vàng một cách có lợi nhất.

Ông Bình nói, ví dụ, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới 5 triệu đồng/lượng, tỷ giá ổn định, NHNN sẵn sàng xuất vàng ra bán, vì đó là cơ hội. NHNN là người kiến tạo ra thị trường vàng sắp tới, chứ không phải như thời gian trước, giá vàng do các thương nhân (đầu nậu) làm giá. Tới đây giá trên thị trường vàng miếng trong nước sẽ do NHNN điều khiển, kiến tạo theo ý đồ của quốc gia, để chuyển đổi toàn bộ vàng đó thành tiền cho sản xuất kinh doanh, nhà nước giữ vàng, nền kinh tế có tiền.

PV