Nâng cao chất lượng thư viện, mở rộng hoạt động
Từ khi Luật Thư viện được thông qua (21/11/2019) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, hoạt động của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều khởi sắc.
Theo báo cáo của thư viện tỉnh, các dịch vụ được nâng dần chất lượng, hoạt động ngoài thư viện được mở rộng, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện ngày càng hiệu quả.
Đến nay hệ thống thư viện công cộng tỉnh Bình Dương gồm có 1 thư viện tỉnh, 9 thư viện huyện, thành phố, 7 thư viện xã. Ngoài ra, tỉnh còn có 38 phòng đọc cơ sở và không gian đọc, 2 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng.
Đối với thư viện cấp tỉnh, huyện, hàng năm UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch giao chỉ tiêu bổ sung sách, trên cơ sở đó các đơn vị thực hiện bổ sung nguồn tài liệu đạt từ 100% trở lên.
Theo đó, trong 5 năm qua, thư viện tỉnh đã được bổ sung trên 276.000 bản sách, nâng tổng số bản sách hiện có lên gần 1.237.000 bản.
Bên cạnh số tài liệu sách - báo, thư viện tỉnh còn đa dạng hóa sản phẩm thông tin giúp người sử dụng thư viện có nhiều nguồn tài liệu để tra cứu như in và phát hành tập tranh “Nét cọ tuổi thơ”, các thư mục chuyên đề, sưu tầm các luận văn, đề tài để đưa vào phục vụ độc giả nghiên cứu.
Hiện, các thư viện công cộng tổ chức tốt không gian đọc, khu vực đọc, các kho sách mở để cung cấp dịch vụ phù hợp cho từng đối tượng.
Đặc biệt, sau khi Luật Thư viện có hiệu lực, thư viện tỉnh đã tăng cường và đẩy mạnh công tác phục vụ ra ngoài thư viện, quan tâm đến đối tượng thiếu nhi (trong đó, có trẻ em mồ côi và khuyết tật), người cao tuổi, người khiếm thị, những địa bàn vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, nghiên cứu, giải trí của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, thư viện mở cửa tất cả các ngày trong tuần, thường xuyên hướng dẫn bạn đọc cách thức sử dụng thư viện, tra cứu thông tin và sử dụng các dịch vụ của thư viện.
Các dịch vụ triển khai tại các thư viện công cộng chủ yếu gồm: Dịch vụ cung cấp tài nguyên thông tin, dịch vụ tổ chức hội nghị, tọa đàm, triển lãm, truyền thông, phổ biến tài nguyên thông tin và dịch vụ cung cấp sản phẩm thông tin.
Trong đó, dịch vụ cung cấp tài nguyên thông tin bao gồm dịch vụ phục vụ tại thư viện và phục vụ ngoài thư viện thông qua các hình thức đọc tại chỗ, mượn về nhà, phục vụ xe thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin là hoạt động nổi bật của hệ thống thư viện công cộng từ khi có Luật Thư viện đến nay.
Thông qua xe thư viện lưu động, thư viện đã cung cấp nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền phù hợp cho lãnh đạo, đại biểu, cán bộ đoàn, đội, hội, nhân dân và các em thiếu nhi.
Song song đó, thư viện còn phối hợp luân chuyển tài nguyên thông tin đến 26 điểm, gồm trường phổ thông, đại học, cao đẳng đào tạo nghề, bưu điện huyện, trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh, trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ em khuyết tật, các trại giam, trại tạm giam, trại cai nghiện,…theo định kỳ luân chuyển 3 tháng/lần, với số lượng luân chuyển từ 300 - 4.000 bản sách/điểm nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức, thông tin và giải trí cho người dân.
Kết quả sau 5 năm, thư viện tỉnh cấp 26.418 thẻ thư viện, phục vụ được 1,5 triệu lượt người sử dụng, luân chuyển trên 5,8 triệu lượt tài liệu. Thư viện cấp huyện phục vụ được 748.640 lượt người sử dụng, luân chuyển trên 1,6 triệu lượt tài liệu.
Xây dựng mô hình thư viện điện tử, thư viện số
Đặc biệt, nhằm phục vụ bạn đọc khai thác thông tin, thư viện tỉnh Bình Dương cũng từng bước xây dựng mô hình thư viện điện tử, thư viện số. Trong đó, thư viện đã xây dựng trang thông tin điện tử, sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo để quảng bá, xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc và phục vụ bạn đọc khai thác tài liệu số, sách nói mọi lúc mọi nơi qua môi trường internet.
Để xây dựng cơ sở dữ liệu theo kế hoạch chuyển đổi số, các thư viện công cộng đã tích cực số hóa tài liệu, đến nay đã có trên 30.000 tài liệu điện tử được số hóa. Hàng năm, thư viện tỉnh còn mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu từ nguồn tài liệu số TaiLieu.VN và nguồn sách nói Voiz FM để phục vụ cho nhu cầu đọc sách điện tử của bạn đọc.
Năm 2024, bạn đọc truy cập vào website đạt gần 4 triệu lượt, fanpage thu hút 6.200 lượt người thích và theo dõi.
Ngô Huyền