Lễ khai mạc triển lãm nghệ thuật Chèo méo với các tác phẩm của những nghệ sĩ tự kỷ vừa diễn ra tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Đây là một trong các hoạt động tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.
Chương trình có sự tham dự đông đảo của nhiều gia đình, khách du lịch trong và ngoài nước và những người quan tâm đến vấn đề tự kỷ… Trong ảnh, các bạn nhỏ tự kỷ (áo hồng) cùng bố mẹ và khán giả tham gia trò chơi khởi động.
Chèo méo, tuy không có nghĩa trong từ điển tiếng Việt, là âm thanh của một bạn trẻ tự kỷ phát ra tại lớp thực hành nghệ thuật Tòhe, thể hiện mong muốn kết nối với bạn bè và thầy cô trong lớp. Trái với suy nghĩ của nhiều người, dù có thể gặp khó khăn trong giao tiếp, trẻ tự kỷ vẫn có nhu cầu kết nối và tương tác với mọi người xung quanh.
Lấy ngôn ngữ làm cầu nối, triển lãm thể hiện mối tương tác giữa trẻ tự kỷ với môi trường xung quanh. Đa dạng loại hình, chất liệu, từ màu dạ, màu nước, màu chì trên giấy, phim hoạt hình... được mang đến sự kiện nhằm tạo ra sự tương tác nhiều giác quan, thể hiện những lát cắt tái hiện cuộc sống, thói quen, tính cách... của trẻ tự kỷ.
Triển lãm là cơ hội để những phụ huynh có con đang gặp vấn đề tự kỷ gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ từ các gia đình có kinh nghiệm trong việc dạy con.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, phụ huynh bạn Đinh Đăng Long bày tỏ: “Long là một đứa trẻ chậm nói, năm lên 10 tuổi mới phát âm được những từ đơn giản để giao tiếp hàng ngày. Từ khi các cô phát hiện Long có năng khiếu vẽ, con được chuyển tới lớp học của Tòhe. Long thích lắm, được thấu hiểu, nói chuyện, được là chính mình khi thể hiện các tác phẩm”.
Khi được hỏi về tên tác phẩm, Đăng Long gọi đây là “bàn”. Qua nhiều tháng, Đăng Long vẽ những con người, sinh hoạt xung quanh chiếc bàn ở Tòhe. Mỗi người một cá tính, không ai giống ai. Nhưng qua tay cậu bé, trông ai cũng hao hao giống với ngoại hình tác giả: mắt hơi bé, mũi dài và to, miệng rộng và môi hơi dày. Đặc biệt Long rất thích truyền hình nên trong các tác phẩm, cậu vẽ nhiều logo các kênh như VTV1, VTV2, VTV3, HTV9…
Vũ Nhật Tiến là tác giả của bức tranh Đoàn nghi lễ Công an Nhân dân ở Hồ Gươm. Khi vẽ , Tiến thường đứng bên cửa sổ nhòm xuống đường để thỏa thích nhìn các chú công an. Vẽ bất kỳ chủ đề nào, Tiến cũng có thể lồng ghép hình ảnh nhân vật đội mũ képi yêu thích. Bố cục không gian xa - gần có trước - sau, lớn - bé, nhưng dù đứng ở vị trí nào, mọi nhân vật đều thẳng tắp, song hành cùng những cái cây, cột điện.
Bức họa đồng quê của Phạm Bình Minh bao gồm 30 bức ảnh chụp màn hình. Minh có thói quen xếp đặt những đồ vật có hình dạng dài, thẳng trong không gian sinh hoạt hàng ngày; sau đó chụp lại, chỉnh sửa, xoay chiều, cắt ghép để đạt được độ chính xác mong muốn.
Trong ảnh là hoạt động trải nghiệm Bồng bồng, mô phỏng lại chứng rối loạn tiền đình có thể thấy ở một số trẻ thuộc phổ tự kỷ. Có bạn chọn việc đi nhón nhón đầu ngón chân như nghệ sĩ múa ballet, có bạn nhảy lên rất nhiều không biết mệt, có bạn như đang lướt trên mặt sàn.
Lê Đức Nhật Minh (20 tuổi – quận Tây Hồ) nói: “Mình ấn tượng với triển lãm này vì giá trị mà nó mang lại, lấy những bạn tự kỷ làm trung tâm. Mình thích nhất bức tranh Đoàn nghi lễ Công an Nhân dân ở Hồ Gươm. Bức tranh không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, yêu những người xung quanh mà còn là cách bạn ấy nhìn nhận môi trường bên ngoài, màu sắc vui tươi, hài hòa”.
Trần Đắc Minh Đường (21 tuổi) và Bùi Hải Yến (19 tuổi) chia sẻ: “Mọi thứ ở đây rất đơn giản, gần gũi và đáng yêu. Đôi khi chính chúng mình tự thấy không khác gì trẻ tự kỷ, cũng thích đặt bút vẽ những nét nguệch ngoạc một cách tự nhiên, hay hát vu vơ hoặc tự nói chuyện với bản thân”.
Triển lãm nghệ thuật Chèo méo là hoạt động thường niên, phi lợi nhuận với mục đích cung cấp thông tin, mang đến góc nhìn đa dạng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về hội chứng tự kỷ, tạo cơ hội hòa nhập cho người tự kỷ nói chung cũng như kết nối nguồn lực xã hội chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 17/11. Một số hoạt động khác cũng được tổ chức như: sân chơi sáng tạo Giao lộ ký ức (chiếu phim hoạt hình, xưởng làm rối, xưởng in dấu…)...