Ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất trong ngành ghép tạng, khó ở cả kỹ thuật ghép và điều trị hậu phẫu sau ghép do tỷ lệ thành công của ghép phổi trên thế giới thấp hơn ghép thận, ghép gan, ghép tim.
Từ ca ghép phổi đầu tiên năm 2015, đến nay Việt Nam đã thực hiện được 6 ca, trong đó có 1 ca ghép phổi từ người cho sống, 5 ca còn lại từ nguồn hiến tặng của bệnh nhân chết não.
Đây là kỹ thuật rất mới ở Việt Nam, chăm sóc hậu phẫu rất khó song đến nay, 3 bệnh nhân sau ghép phổi vẫn khỏe mạnh. Những thành công bước đầu mang đến nhiều hy vọng khi Việt Nam quyết định ghép phổi cho bệnh nhân 91 mắc Covid-19 là phi công Vietnam Airlines.
Ca ghép phổi đầu tiên thành công của Việt Nam
Bé trai Ly Chương Bình, 7 tuổi ở Quản Bạ, Hà Giang bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, đã biến chứng suy hô hấp, suy tim. Bệnh khiến cháu bé suy dinh dưỡng độ 3, nặng 14 kg, bác sĩ chỉ định ghép phổi là cơ hội cuối cùng cứu sống cháu bé.
Để chuẩn bị cho ca ghép phổi đầu tiên của bệnh viện, Bệnh viện 103, Học viện Quân y đã cử 3 bác sĩ sang Nhật học kinh nghiệm ghép phổi từ khâu gây mê, phẫu thuật tới chạy máy để đảm bảo ca ghép thành công.
Bé Bình khỏe mạnh, bụ bẫm sau khi ghép phổi
Trước ghép 5 ngày, bệnh viện đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, khử khuẩn phòng mổ để đảm bảo điều kiện vô trùng tốt nhất.
Ngày 21/2/2017, ca ghép phổi được thực hiện. Bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ 2 lá phổi bệnh nhi, sau đó lấy 1 thùy phổi từ bố đẻ và 1 thùy từ bác ruột để ghép. Ca ghép thành công sau 10 tiếng căng thẳng.
Sau mổ 30 phút, 2 người cho được rút ống nội khí quản, sau đó phổi đã giãn nở hoàn toàn, trở về cuộc sống bình thường.
2 ngày sau ghép, cháu Bình tỉnh lại, tự thở với các thông số bình thường. Hiện tại, cháu tăng cân tốt, sức khỏe ổn định, đi học trở lại.
Thanh niên 17 tuổi sống lại nhờ lá phổi người khác
Ngày 12/1/2018, Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người hiến tặng chết não cho nam thanh niên Nguyễn Văn Đức, 18 tuổi ở Thanh Miện, Hải Dương.
Trước khi ghép phổi, tình trạng của Đức rất nguy kịch. Nam thanh niên đã có 5 năm chống chọi với căn bệnh mô bào, bác sĩ tiên lượng chỉ còn sống bằng giây, bằng phút bởi phổi đã bị hỏng toàn bộ, cuộc sống gắn chặt với máy thở trên giường.
Cơ hội sống duy nhất của bệnh nhân là ghép phổi, nhưng thời điểm đó, chưa có ê-kíp bác sĩ Việt Nam nào thực hiện ghép phổi.
Nam thanh niên xuất viện sau 10 tháng ghép phổi
Tuy nhiên, khi biết có người hiến phù hợp là một người đàn ông 40 tuổi không may chết não ở Ninh Bình, các bác sĩ Việt Đức đã cân nhắc rất nhiều, lên phương án kỹ lưỡng để thực hiện ca ghép phổi đầu tiên tại bệnh viện.
Khi lên bàn mổ, bệnh nhân chỉ nặng vẻn vẹn 30 kg. Cuộc chạy đua suốt 14 tiếng với gần 500 y bác sĩ đã giúp bệnh nhân giành sự sống.
Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Bệnh nhân đã có nhiều khoảng thời gian chết đi sống lại, có lúc tưởng không qua khỏi, trải qua tất cả các phương pháp điều trị tích cực nhất như ECMO, siêu lọc, nằm trong lồng kính vô trùng…
Sau 10 tháng nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ, bệnh nhân cuối cùng đã hồi phục, được ra viện ngày 18/10/2018. Tổng chi phí điều trị của ca bệnh này là hơn 5 tỉ đồng.
Đi xe máy vèo vèo sau ghép phổi
Sau thành công ca ghép phổi đầu tiên, ngày 12/8/2019, Bệnh viện Việt Đức tiếp tục thực hiện ca ghép phổi thứ 2 từ người cho chết não cho bệnh nhân Ngô Văn Khương, 33 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội. Người hiến tặng phổi cho bệnh nhân là chàng trai 20 tuổi ở Hải Dương.
Anh Khương đã có 10 năm gần như nằm liệt giường do giãn phế quản giai đoạn cuối, không thể tự sinh hoạt, cuộc sống gắn với máy thở. Nếu không ghép phổi, bệnh nhân tiên lượng chỉ còn sống dưới 1 năm.
Anh Khương trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường khi mang trong lồng ngực lá phổi của chàng trai 20 tuổi
Sau ghép phổi, việc chăm sóc và phục hồi cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn như kiểm soát nhiễm trùng phổi, chăm sóc đường hô hấp, thuốc chống thải ghép, vật lý trị liệu và nâng cao thể trạng.
Sau gần 2 tháng nằm viện, hiện anh Khương đã ổn định, ăn uống tốt. Cân nặng trước mổ chỉ có 41 kg, sau tăng lên 47 kg.
Sau 53 ngày điều trị, ngày 10/4/2019, anh Khương được xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ oà của gia đình.
Đến đầu tháng 12/2019, anh Khương đã trở lại cuộc sống sinh hoạt gần như bình thường khi tưới cây, rửa sân, đi xe máy đưa con đi học…
Kết quả tái khám, nội soi gần đây cho thấy, phổi ghép của anh Khương rất tốt. Bệnh nhân tiếp tục duy trì uống thuốc chống thải ghép và khám định kỳ.
Minh Anh
30 người xin hiến phổi cho phi công Anh, Bộ Y tế đang tìm nguồn tài trợ
- Đã có 30 người xin được hiến một phần phổi cho bệnh nhân 91. Bộ Y tế đang tìm kiếm nguồn tài trợ để ghép phổi cho bệnh nhân này.