Thời gian gần đây, câu chuyện bị từ chối đầu tư bởi các Shark trong cuộc gọi vốn trên Shark Tank của Divine Esports, kết hợp với những luận điểm có phần khắt khe của những nhà đầu tư về lĩnh vực kinh doanh game, đã dấy lên những làn sóng tranh cãi gay gắt trong cộng đồng game thủ Việt.

Vậy những người hoạt động trong lĩnh vực game liệu có cơ hội để tìm kiếm thành công hay không? Ba cái tên đại diện cho 3 ví dụ dưới đây chính là những minh chứng điển hình nhất thay thế cho câu trả lời:

PewPew

Vốn không phải là một tuyển thủ chuyên nghiệp, nhưng tên tuổi của PewPew cũng từng gắn liền với vai trò Bình luận viên không chuyên của các giải đấu Dota 2. Bên cạnh đó, anh cũng từng là chủ sở hữu của một đội tuyển Dota 2 chuyên nghiệp - Team PewPew, cũng như đóng vai trò thành viên Ban tổ chức của nhiều giải đấu Esports bán chuyên.

Quyết định chuyển hướng sang stream LMHT của PewPew từng gây rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng Esports Việt, nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ. Còn ở thời điểm hiện tại, không ai có thể phủ nhận rằng PewPew chính là một trong những tên tuổi hàng đầu của làng game Việt, và thậm chí anh chàng này còn lấn sân sang cả lĩnh vực giải trí.

Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, PewPew đã đưa ra một quyết định gây bất ngờ cho rất nhiều người hâm mộ, khi mới đây, Pewpew đã bất ngờ đăng tải thông báo sẽ chính thức ngừng hoạt động trong ngành giải trí, cũng như kết thúc hợp đồng với công ty Creatory nổi tiếng - nơi mà Pewpew đã gắn bó rất lâu trong sự nghiệp để tập trung hơn cho các cộng việc kinh doanh cũng như nhiều dự định khác mà anh chàng streamer này định thực hiện.

Ngay cả khi từ giã sự nghiệp giải trí để trở về làm "Chú Pew bán bánh mì", anh chàng streamer "quần đùi caro" vẫn có thể coi là minh chứng cho thành công của một game thủ luôn cháy hết mình vì đam mê.

ViruSs

ViruSs vẫn luôn là cái tên thành công nhất trong làng Stream Việt thời kỳ đầu, thậm chí, sẽ không ngoa khi nói rằng thành công của anh chàng đa tài này chính là bước khởi đầu cho trào streamer tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, ViruSs không chỉ là một trong 2 cái tên nổi danh nhất của làng Stream Việt bên cạnh Pewpew, mà anh còn được cộng đồng mạng biết đến rộng rãi với vai trò MC, Nhà sản xuất âm nhạc cũng như gương mặt quen thuộc trên các kênh truyền hình quốc gia.

Xuất thân là một tuyển thủ LMHT chuyên nghiệp, nhưng ViruSs sớm từ bỏ con đường game thủ để đến với một vai trò mới mà anh cho là phù hợp nhất với bản thân. Với trình độ chơi game ở mức cao thủ, phong cách nói chuyện có duyên, ViruSs dần nổi lên như một trong những Hot Streamer LMHT đầu tiên tạo dựng được tiếng vang trong cộng đồng.

Khi bắt đầu gây dựng được thương hiệu, anh chàng này cũng bắt đầu nhận được những hợp đồng caster, dẫn chương trình cho các thương hiệu game online, game mobile, hoặc các sự kiện phòng máy đình đám trên cả nước.

Hiện tại, sự nghiệp Stream của ViruSs đã không còn gắn bó quá nhiều với LMHT, nhưng chắc hẳn những fan hâm mộ lâu năm của anh chàng này đều chưa hề quên được một streamer nhiệt huyết một thời đã từng đồng hành cùng cộng đồng game thủ LMHT nhiều năm về trước.

KingOfWar

Không giống như hai người đàn anh PewPew và ViruSs, KingOfWar lại lựa chọn rẽ hướng sang lĩnh vực kinh doanh sau khi từ giã sự nghiệp game thủ. Đây cũng là cách mà cựu tuyển thủ Full Louis lựa chọn để tiếp tục theo đuổi một công việc liên quan tới lĩnh việc game - thứ mà anh đam mê và ước nguyện sẽ gắn bó trọn đời.

Sau khi giải nghệ thi đấu chuyên nghiệp, KingOfWar bất ngờ chuyển sang công việc cày thuê kết hợp stream. Tương tự như PewPew, ngã rẽ mà KingOfWar lựa chọn đã gây nên những luồng ý kiến tranh cãi gay gắt trong cộng đồng, bởi cày thuê là lĩnh vực cấm kỵ trong LMHT, và KingOfWar từ một người hùng của LMHT chuyên nghiệp bỗng chốc sắm vai "kẻ phản diện".

Nói về quãng thời gian khó khăn nhất trong đời, giành 13 - 14 giờ đồng hồ mỗi ngày để cày thuê trang trải cuộc sống, ăn mì qua bữa, KingOfWar chia sẻ rằng anh chưa từng cảm thấy hối hận, vì nhờ có chặng đường khó khăn này mà bản thân ông trùm cày thuê một thời tích lũy được một số vốn đáng kể, để theo đuổi ước mơ... mở quán net.

Lựa chọn này khiến tên tuổi KingOfWar gần như hiếm khi xuất hiện trên các lĩnh vực giải trí, nhưng bù lại, chuỗi Cyber Game KOW Gaming Center đã trở thành niềm tự hào lớn nhất cuộc đời của anh chàng cựu tuyển thủ này. Là chuỗi Cyber Game có tốc độ "sinh sản" có thể coi là nhanh nhất trong làng game Việt hiện tại, KOW Gaming Center đã sớm vượt qua con số 10 chi nhánh và đang nhanh chóng mở rộng phạm vi phủ sóng trên toàn quốc.

Thành công rực rỡ trong lĩnh vực kinh doanh, KingOfWar chính là một minh chứng rõ nét cho khái niệm "cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn".

Kết

Việc đưa ra dẫn chứng về những cái tên thành công rực rỡ nhờ hoạt động trong lĩnh vực game nói chung và Esports nói riêng thì khá dễ dàng, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng ngành game tại Việt Nam vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc.

Những cái tên như PewPew, ViruSs, KingOfWar, hay rộng ra là Độ Mixi, Dũng CT... dù rất tiêu biểu nhưng vẫn chỉ chiếm thiểu số. Vậy nên, những kết luận gây tranh cãi mà Shark Liên đưa ra trong câu chuyện gọi vốn của Divine Esports trong Shark Tank cũng không phải không có lý.

Dẫu vậy, đối với những con người đã và luôn dành hết đam mê cho lĩnh vực game, thì chắc hẳn tất cả họ đều có một định kiến vững vàng để nắm rõ đâu là giới hạn của bản thân. Bỏ qua những luận điểm mang đậm chất cảm tính xoay quanh câu chuyện Divine Esports, thì KingOfWar, PewPew hay ViruSs vẫn là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc "game thủ hoàn toàn có tương lai".

Theo GameK