Tôi dùng Facebook từ cách đây 9 năm, đủ lâu để cảm thấy "nghiện". Lúc đó, Facebook là nơi tôi lưu giữ mọi ý nghĩ nảy ra trong đầu, là quyển sổ nhật ký online giúp tôi ghi chép nhanh ở mọi nơi. Facebook lúc đó còn khá sơ khai, không nhiều quảng cáo như bây giờ.
Thế nhưng không biết từ khi nào, điều gì đó rất âm thầm đã đến. Một ngày kia, tôi bỗng dưng cảm thấy mệt, không được vui sau khi lướt Facebook. Tôi có cảm giác chán nản, trống rỗng và cô đơn giữa hàng nghìn status (dòng trạng thái). Mọi người đang ở ngay kia, hệt như đám đông ngoài đời thực, thế nhưng tôi vẫn thấy sự xa cách quá lớn.
Tôi quan sát và hỏi những người xung quanh về cảm giác sau khi dùng Facebook. Họ cũng buồn giống hệt tôi. Tại sao thế Facebook? Chuyện gì đã xảy ra? Rốt cuộc Facebook là nơi kết nối mọi người, hay là hố đen tiêu cực?
Facebook sẵn sàng làm mọi cách để đeo bám chúng ta
Thật may mắn, tôi tham gia Facebook đủ lâu để chứng kiến nhiều chiến dịch xã hội thành công, sức ảnh hưởng của cộng đồng trên nền tảng này. Thế nhưng, tôi cũng thấy hầu hết trong số họ đang nói nhiều hơn làm.
Họ thể hiện sự thương cảm hay phản đối bằng nút "thả tim", "phẫn nộ" thật nhanh chóng, sau đó tiếp tục lướt và không biết cái gì tiếp theo sẽ hiện bên dưới.
Đó có thể là một bài báo tiêu cực, biết đâu là một clip dễ thương, nhưng không hơn gì vòng lặp, họ lại hành động như cũ, tâm trí nhảy như "khỉ chuyền cành" tùy vào thứ sẽ xuất hiện bên dưới.
Nói đơn giản, đó chỉ là lớp vỏ ngoài, những hành động ủng hộ hoặc phản đối suông để khiến bản thân họ tự hào, hoặc cảm thấy vô can trong mớ hỗn độn này.
Một ngày kia, tôi bỗng dưng cảm thấy mệt, không được vui sau khi lướt Facebook. Ảnh: New York Times. |
Có lúc bạn sẽ hỏi lý do chúng ta nghiện Facebook. Thực tế, phía sau Facebook là một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu tâm lý học hành vi. Họ luôn biết chúng ta làm gì, sau hành động này thường sẽ làm gì tiếp theo. Họ biết điều gì khiến chúng ta vui (nhưng không đủ lâu), điều gì níu chân chúng ta lại và tiêu tốn thời gian lâu hơn cho Facebook (bằng bất cứ cách nào), điều gì sẽ khiến chúng ta mở Facebook để xem thông báo hoặc trang chủ một trăm nghìn lần mỗi ngày.
Thời gian gần đây, bạn còn thấy Facebook gửi những thông báo không hề mong muốn: một ai đó trong nhóm bạn đã tham gia đăng bài, một ai đó vừa đăng ảnh...
Nếu như trước kia, tính năng này để người dùng theo dõi sát sao nội dung/người nào đó mà họ thích thì bây giờ, Facebook sẽ tự quyết định điều đó thay chúng ta. Facebook đang cố níu kéo chúng ta, sẵn sàng dùng những cách không lành mạnh lắm để đeo bám.
Những lý do khiến tôi từ bỏ Facebook
Tôi đã quyết định từ bỏ Facebook được 5 tháng. Đây là những lý do khiến tôi làm như vậy.
Cảm giác "sợ bị bỏ lỡ"
Sau khi tìm hiểu, tôi đã biết lý do cảm thấy mệt mỏi khi lướt Facebook. Nền tảng này đã khai thác triệt để trạng thái tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out), còn gọi là "trạng thái sợ bỏ lỡ". Đây là cảm giác tâm lý khiến một người sợ bỏ lỡ điều gì đó quan trọng, một điều mà ai cũng biết trong khi bản thân họ thì không.
Nó giống như việc bạn không đi dự tiệc vào hôm qua và luôn tò mò hỏi bạn bè vào hôm sau, giống như bạn vừa cúp học vào buổi sáng và lo lắng liệu cô giáo có dặn gì đó rất quan trọng không.
FOMO còn đi theo chiều ngược lại, khi đó, bạn sẽ có cảm giác "sợ bị bỏ lỡ". Chiều này có tác động mạnh mẽ hơn nhiều. Nó khiến người ta liên tục đăng status. Không có thông báo mới nào, chúng ta sẽ cố gắng tìm gì đó để đăng.
Facebook là sân chơi của sự giả tạo. Ảnh: New York Times. |
Điều này có gì nghiêm trọng?
Nó sẽ khiến bạn nghiện thông báo, nghiện like, bình luận. Tôi muốn nói rằng để thu hút tương tác, bạn đừng đăng gì về cô đơn, buồn bã, khó khăn, điều gì đó nghiêm túc, thông minh, ô nhiễm môi trường, triết lý, khoa học, nghiên cứu, khảo cổ, phát triển bản thân, một bài nhạc bạn tâm đắc… mà hãy đăng ảnh của chính bạn. Một tấm ảnh có bạn trong đó, bên cạnh người thân, người yêu cùng một chiếc xe hơi, một căn hộ chung cư cao cấp, một nơi chốn du lịch hạnh phúc. Bạn sẽ đếm like không xuể.
Với tâm lý trên, chúng ta đã ít đi, thậm chí không còn đăng những thứ thể hiện đúng cảm xúc, suy tư của bản thân nữa. Nếu đăng lên câu nói tâm đắc sau nhiều lần thất bại, có thể bạn chẳng được bao nhiêu like đâu, thậm chí bị người khác phán xét.
Nếu viết một bài tâm sự, trải lòng dài, có thể họ chỉ like mà không đọc, tệ hơn là lướt qua như thinh không. Vậy nên, cho dù có đau buồn hay cô đơn, bạn vẫn cứ nên đăng bài viết mang nội dung tích cực, hài hước. Bởi lẽ mọi người sẽ tặng like cho bạn.
Cứ đi theo chiều đó, chúng ta sẽ thấy Facebook là sân chơi của sự giả tạo với những bức ảnh, những xúc cảm, nơi chốn, hoàn cảnh mỹ miều, của những điều “ngắn ngủn” được che đậy, tô điểm. Bạn sẽ khó biết được điều gì thực sự đằng sau cuộc sống xa hoa, tích cực, đẹp đẽ của một người trên Facebook. Vì họ cũng như bạn, như tôi, đều trống rỗng.
Không còn chuyện gì để nói khi gặp nhau
Chúng ta đã dần ít gặp mặt trực tiếp hơn. Có lẽ ta đã biết vài điều về bạn bè, người thân qua mạng xã hội, cụ thể là Facebook. Dường như chúng ta sẽ vào nhắn tin, hỏi thăm, nhìn đoạn hội thoại, suy nghĩ và cố gắng nói chuyện sao cho tinh tế, nhẹ nhàng, gửi vài biểu tượng để cuộc trò chuyện bớt sượng sùng.
Qua Facebook, tưởng rằng đã biết đủ về họ, về cuộc sống của họ gần đây, nhưng bạn đã lầm. Ảnh: New York Times. |
Đối phương cũng sẽ như vậy. Nếu đau buồn, họ cũng chẳng nói họ quá đau với bạn mà sẽ có xu hướng nhắn tin kiểu xã giao. Rất khó để chúng ta đủ động lực hẹn ai đó gặp mặt, cuộc gặp mà chẳng có gì ở đối phương khiến ta tò mò muốn biết thêm nữa. Tưởng rằng đã biết đủ về họ, về cuộc sống của họ gần đây, nhưng bạn đã lầm.
Có lẽ điều này, không ít thì nhiều, khiến các mối quan hệ dần xa cách hơn. Nó khiến chúng ta bị cô lập, khiến chúng ta cô độc, làm chúng ta cô đơn.
Nghe lén thông tin
Đây là điều cuối cùng, dù liên quan đến pháp luật và có vẻ nghiêm trọng. Với đa số người dùng, họ chẳng có gì để mất trên Facebook cho đến khi để lộ các thông tin quan trọng trên nền tảng này.
Tôi không thích điều này vì thấy nó khá chiêu trò, mưu mẹo, gian trá… không phù hợp lắm với hình ảnh các công ty tư bản trong mắt tôi xưa nay.
Sau khi rời bỏ Facebook, tôi nhận được gì?
Tôi có nhiều thời gian hơn rất nhiều so với trước kia. Không phải chỉ thời gian bên ngoài mà còn là thời gian trong tinh thần. Tôi đã không còn nghĩ tới nó (Facebook) mỗi khi rảnh rỗi nữa. Thay vào đó là một việc khác.
Tôi thấy tinh thần mình thư thả hơn. Thật dễ chịu khi đứng im hóng gió trong 5 phút mà không phải buồn phiền, ganh tị, tự trách bản thân như khi lướt Facebook hàng giờ liền.
Tôi thấy cuộc đời gần gũi hơn. Nó không còn xa lạ, không còn khô cằn, vô nghĩa như thời tôi còn nghiện Facebook nữa.
Tôi không còn để năng lượng của mình bị hút cạn như khi nằm yên lướt Facebook như một khúc gỗ.
Tôi không còn "ngấu nghiến" bởi chứng tự yêu bản thân nữa. Không có ai like, không có ai bình luận, sống một ngày yên ắng, chuyện đó không sao cả. Tôi vẫn hiện diện với thực tại, không sứt mẻ dù chỉ một tí, không ngu si thêm chút nào.
Tôi thoải mái hơn sau khi từ bỏ Facebook. Ảnh: New York Times. |
Tôi không hẳn từ bỏ Facebook 100%, có lẽ chỉ 95% thôi. Đôi lúc tôi vẫn liên lạc với bạn bè qua Messenger. Nhưng từ một người cứ 5 phút mở Facebook để lướt News Feed, đó là sự thay đổi rất lớn với nhiều lợi ích.
Sự thật mà bạn rất muốn biết: có ai hỏi han tôi sau 5 tháng rời Facebook không? Nếu bỏ qua lời giải thích, câu trả lời là không. Chúng ta không thân thiết hay thấu hiểu nhau, và tôi cũng không quan trọng với người khác như tôi tưởng.
Đả phá Facebook chẳng lợi ích gì, bởi mạng xã hội nào rồi cũng có thể giống như vậy. Điều chúng ta cần là ưu tiên các mối quan hệ gần gũi thực sự, ưu tiên gặp nhau ngoài đời thực. Khi đó, năng lượng rung động cùng nhau, bạn sẽ cảm thấy khác hẳn. Tôi tin rằng cuộc sống của mỗi người sẽ dễ chịu hơn khi làm như vậy.
(Theo Zing)
Làm sao để kiểm tra tài khoản Facebook có bị rò rỉ hay không?
Trong những ngày qua, các chuyên gia an ninh mạng đã tiết lộ rằng khoảng 533 triệu thông tin cá nhân của người dùng Facebook đã bị rò rỉ, vậy có cách thức gì để kiểm tra liệu tài khoản facebook của mình có nằm trong số các nạn nhân?