Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-2 tháng lên 4,9%; kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng tăng lên 5,4%; kỳ hạn 6 tháng là 6%, 9 tháng 6,1%, còn các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng lên 7,4%. Với biểu lãi suất mới, BIDV tăng bình quân thêm từ 1-1,3%

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) công bố tăng lãi suất huy động hàng loạt kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1-3 tháng tăng lên 4,9%, kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng lên 5,4%, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng tăng lên 6%, kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng tăng lên 7,4%. Với lãi suất mới, Vietinbank cũng đã tăng thêm từ 1-1,3%.

Các ông lớn tăng lãi suất huy động. (Ảnh: Hoàng Hà)

Tiếp theo là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng đưa ra biểu lãi suất huy động mới trong ngày hôm nay (27/1), với kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 4,9%, kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng lên 5,4%, kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng lên 6,1%, kỳ hạn từ 12-24 tháng tăng lên 7,4%.

Đến sáng nay, chỉ còn Vietcombank vẫn chưa điều chỉnh lãi suất mới.

Trước đó, ngay sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh cũng đã có biểu lãi suất mới. Trong đó Sacombank, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng được nâng lên 5,6-6%/năm cho mức từ 4,1-4,6%/năm. Với mức giao dịch tại quầy, lãi suất tiền gửi từ 6-11 tháng được nâng từ 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm.

Một số ngân hàng khác như BacABank, NCB, SeABank, VIB cũng đưa ra biểu lãi suất huy động mới, đặc biệt ở kỳ hạn dưới 6 tháng.

Ở kỳ hạn dưới 6 tháng của BacABank, NCB có mức lãi suất kịch trần là 6%/năm, còn SeABank cũng điều chỉnh tăng ở tất cả các kỳ hạn.

Ở kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), lãi suất tiết kiệm tại quầy tăng lần lượt 5,7%/năm và 5,9%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tăng lần lượt lên 6,8%/năm và 7,5%/năm, 36 tháng lãi suất là 7,8%/năm. Ở kênh online, OCB đưa ra mức lãi suất 7,85%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, trong khi kỳ hạn 12-24 tháng tăng lên 7,8%/năm.