Món quà bất ngờ
Cách đây 32 năm, bà Đào Lan Hương – khi đó là cô giáo môn Hóa học Trường Hà Nội Amsterdam nhận nhiệm vụ theo đoàn chuyên gia sang Angola dạy học. Đoàn có hơn 200 giáo viên và hơn 200 bác sĩ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cô giáo ngày nào tóc đã bạc trắng. Gần nửa thế kỷ bà Đào Lan Hương gắn bó với con người, đất nước Angola, cùng các thế hệ kiều bào xây dựng, phát triển và tạo được vị thế nhất định của Việt Nam ở đất nước bạn.
Giọng bồi hồi, bà nhớ lại: “Ngày tôi rời Tổ quốc, Việt Nam còn nghèo, là đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh hơn 10 năm. Cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng ngày trở về, nhìn đất nước đổi mới, hiện đại, khang trang, đời sống người dân khấm khá hơn, lòng tôi trào dâng nhiều cảm xúc, mừng vì đất nước mình đã phát triển nhanh chóng, ngoài sức tưởng tượng”.
Theo lời bà Lan Hương, do bà sử dụng thành thạo tiếng Pháp, có khiếu ngoại ngữ nên được chọn đi học tiếng Bồ Đào Nha để đi Angola dạy theo thỏa thuận giữa hai nước (Angola sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Bồ Đào Nha).
Điều khiến bà bất ngờ khi đặt chân xuống sân bay Angola, người dân bản địa dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam. Bà tình cờ quen một kỹ sư bản địa. Sau khi làm quen và trò chuyện, anh ngỏ ý tặng bà một món quà chào mừng đến đất nước mình. Trong suy nghĩ đơn thuần, bà cho rằng đó là một món quà lưu niệm nhỏ như cái bút, cái cốc…
Thế nhưng, khi mở quà ra, bao cảm xúc như vỡ òa, lòng bà dâng lên niềm tự hào dân tộc. Bởi đó là quyển sách rất dày do anh kỹ sư tự tay biên soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha, nội dung về chiến thắng Điện Biên Phủ dậy sóng năm châu, chấn động địa cầu.
Những lời lẽ trong cuốn sách thể hiện sự trân trọng và khâm phục con người Việt Nam – dù nhỏ bé nhưng làm nên những điều lớn lao. “Một món quà ý nghĩa không chỉ với tôi mà còn thể hiện tình cảm trân quý giữa hai đất nước và nó càng đặc biệt hơn khi một người nước ngoài yêu lịch sử Việt Nam”, bà khẳng định.
Chuỗi ngày sau đó là khoảng thời gian bà tiếp cận, làm quen với cuộc sống mới, học trò mới. Bà vẫn nhớ như in buổi dạy đầu tiên, bản thân phải cấu vào tay, xem có đúng mình nằm mơ hay không vì phía trước là các học trò có ngôn ngữ, màu da khác.
“Các em rất thông minh, cũng có những lúc nghịch ngợm, đáng yêu hồn nhiên của tuổi học. Mặc dù tôi dạy Hóa nhưng trong các tiết học của mình, thi thoảng tôi cũng kể cho các em về văn hóa Việt Nam. Các em rất tò mò, cuối giờ học hay nán lại hỏi tôi về các địa danh, món ăn Việt. Trò chuyện, chia sẻ với các em về Việt Nam cũng làm tôi vơi bớt nỗi nhớ quê hương và khiến tôi hạnh phúc khi có nhiều người quan tâm, yêu mến Tổ quốc mình”, bà Đào Lan Hương chia sẻ.
Nhiều học sinh của bà sau này cũng mày mò học tiếng Việt và lan tỏa việc học tiếng Việt đến người thân, bạn bè. Vào những dịp lễ, Tết Nguyên Đán, bà cùng các thầy cô giáo khác làm nem mời học trò thưởng thức.
Tiếng quê hương
Sau khi nghỉ hưu, bà Hương Lan tiếp tục sinh sống và làm việc ở Angola với vai trò doanh nhân. Hiện bà là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Angola.
Bà chia sẻ, cộng đồng người Việt Nam rất đoàn kết, sẵn sàng tương trợ nhau những lúc khó khăn. Dù sống cách xa nhau, không tập trung ở một khu vực mà rải rác nhiều nơi nhưng khi có cơ hội, mọi người đều tề tựu, sum vầy, tham gia các sự kiện từ thiện, Xuân Quê hương ở Đại sứ quán, hoạt động văn nghệ - thể thao, xúc tiến thương mại, kỷ niệm Quốc khánh 2/9…
Ở Angola hiện nay đã có thế hệ người Việt thứ 3. Nhiều chuyên gia trong đoàn của bà năm xưa đã lập gia đình với người bản xứ. Tất cả các cháu từ khi sinh ra đã định hình và sử dụng được thành thạo cả ngôn ngữ Việt và Bồ Đào Nha.
“Khả năng tiếng Việt của các cháu rất tốt, có thể đọc thông, viết thạo và hát tiếng Việt. Một phần là nhờ vào việc chú trọng dạy tiếng Việt của bố mẹ các cháu. Một phần là người Angola rất thích học tiếng Việt. Nhiều người giao tiếp với chúng tôi bằng tiếng Việt. Khi tôi ra chợ, họ mời tôi: “Bà ơi, mua rau không? Bà ơi, vào uống nước…”. Chính vì vậy, con em người Việt có môi trường để sử dụng, giao tiếp tiếng Việt thường xuyên và hàng ngày. Có thể nói, dù chưa có lớp dạy tiếng Việt chính thức nào nhưng việc gìn giữ, bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ ở Angola rất tốt”, bà Lan Hương nói
Bà kể, cộng đồng người Việt ở Angola có nhiều thành phần, từ lao động, tiểu thương, trí thức, chuyên gia… dù làm gì, ở đâu, ai cũng có ý thức giữ nét văn hóa truyền thống. Vẫn thờ cúng tổ tiên, đi chùa vào ngày rằm và mồng một, Tết Nguyên đán… Những món ăn Việt Nam thường trực trên mâm cơm của bà con.
“Ở Angola, nông sản Việt rất nhiều, từ cọng hành, con cá… nhiều tiểu thương còn kinh doanh cả đồ ăn Việt Nam. Ví dụ như ngày 2/9, cộng đồng người Việt Nam tổ chức kỷ niệm Tết Độc lập, tôi chỉ cần đặt các tiểu thương chế biến. Người làm nem, người làm giò, người gói bánh chưng… rồi chuyển đến địa điểm diễn ra sự kiện”, người phụ nữ lớn tuổi nhớ lại.
Năm 2024, bà có dịp về thăm quê hương. Chuyến thăm quê lần này, bà dành thời gian tìm lại những ký ức xưa cũ của một thời quá vãng nhưng cũng là để nhìn thấy sự thay da đổi thịt của đất mẹ.
“Ở bên kia không hiếm người nói tiếng Việt, cả người bản địa và người Việt nhưng tôi luôn ôm trọn nỗi nhớ tiếng mẹ thân thương. Đó là nỗi nhớ cội nguồn, nhớ quê hương bản quán”, đôi mắt đỏ hoe, bà tâm sự.
Năm 2024, Việt Nam kỷ niệm 20 năm triển khai Nghị Quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bà Đào Lan Hương bày tỏ: “Nghị quyết số 36 đã thực sự đi vào cuộc sống, thể hiện sự sáng suốt trong lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Lực lượng kiều bào ở nước ngoài có tiềm lực rất lớn, nếu khai thác sức mạnh đó, không phải chúng ta chỉ có tài chính, chúng ta còn có trí tuệ.
Nghị quyết 36 mở ra hướng phát triển mới, giúp kiều bào phấn chấn, thấy bản thân có một chỗ dựa để phát triển sự nghiệp kinh doanh, gắn kết hơn với Tổ quốc, được Tổ quốc đón nhận với tất cả tình cảm”.