Ông Trần Bình Duyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam 

Khởi đầu thuận lợi của “tân binh” DVM

Với giá tham chiếu 18.000 đồng/cp, biên độ giao dịch +/-30% trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu DVM giao dịch trong khoảng 12.600 - 23.400 đồng.

Ngày đầu tiên ra mắt, 578.600 cổ phiếu đã được giao dịch, nằm trong top 20 cổ phiếu giao dịch mạnh nhất sàn HNX. Tại thời điểm mở cửa, ghi nhận “tân binh” DVM đã tăng kịch sàn, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu DVM đạt mức 20.000 đồng/cp.

Cổ phiếu DVM niêm yết trên sàn HNX từ ngày 19/7

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, kể từ đầu năm tới nay, Dược liệu Việt Nam (VIETMEC) là công ty thứ tư niêm yết trên sàn HNX. Cổ phiếu DVM tham gia thị trường chứng khoán giúp tăng sự lựa chọn cho nhà đầu tư trên thị trường. 

Ông Trần Bình Duyên - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam cho biết: “Công ty đã có gần 11 năm kinh nghiệm trên thị trường thuốc Việt Nam về năng lực sản xuất và kinh doanh đa dạng sản phẩm thuốc y học cổ truyền, thuốc đông dược, dược liệu, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc dược liệu thiên nhiên, đặc biệt là kinh doanh hàng nghìn sản phẩm thuốc tân dược bán kê đơn tại nhà thuốc trong các bệnh viện”.

Ông Trần Bình Duyên, Chủ tịch HĐQT VIETMEC thực hiện nghi thức đánh cồng thiêng liêng tại ngày niêm yết cổ phiếu DVM trên sàn chứng khoán HNX

Sự kiện này đồng nghĩa với việc VIETMEC được đứng vào đội ngũ các doanh nghiệp có năng lực trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể thu hút nguồn vốn để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp dược liệu sạch tại Việt Nam.

Theo ông Trần Bình Duyên, VIETMEC kỳ vọng sẽ giữ vững được nhịp tăng trưởng hiện tại và phát triển hơn vào những năm tiếp theo. 

Trước đó, VIETMEC đã chính thức trở thành công ty đại chúng sau khi chào bán thành công 8,65 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng hồi tháng 5/2022, nâng vốn điều lệ lên 356,5 tỷ đồng như hiện nay.

Triển vọng ngành dược sau “biến cố” Covid-19

Theo báo cáo của VIETMEC, trước thềm niêm yết, công ty đã ghi nhận doanh thu kỷ lục 1.049 tỷ đồng năm 2021, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp thu về lãi ròng hơn 50 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm trước. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm tăng trưởng với tốc độ 2 con số kể từ khi nhà máy GMP-WHO được đưa vào hoạt động. Công ty vẫn tiếp tục hoàn thiện lắp đặt, chạy thử và đưa vào khai thác các dây chuyền sản xuất mới hiện đại hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, VIETMEC đã và đang tập trung triển khai mở rộng các vùng trồng dược liệu với quy mô lớn từ Bắc vào Nam, đặc biệt tập trung tại các tỉnh có nguồn tài nguyên đất đai phù hợp như Phú Thọ, Lào Cai, Ba Vì (Hà Nội), Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng... theo tiêu chuẩn GACP - WHO, nhằm ổn định chất lượng dược liệu dùng cho sản xuất thuốc và tự chủ về nguồn cung dược liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Đại diện VIETMEC chia sẻ, năm 2022, VIETMEC đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh tăng trưởng cao hơn so với năm 2021 với doanh thu trên 1.119 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 65 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu ngành dược đang được các công ty chứng khoán và nhà đầu tư đánh giá cao. Theo SSI Research, kết quả kinh doanh của các công ty dược phẩm sẽ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2022 do nhờ doanh thu tốt tại kênh nhà thuốc.

Sau khi tiếp tục đối diện với nhiều thử thách trong năm Covid-19 thứ hai, triển vọng tăng trưởng của ngành dược năm 2022 có tín hiệu tích cực hơn so với năm 2021. Theo thống kê, 62,5% các chuyên gia và doanh nghiệp được khảo sát về kỳ vọng thị trường năm 2022. Trong khi 12,5% dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh, 6,25 % cho rằng thị trường sẽ tăng trưởng thấp hơn năm 2021.

Ngoài ra, doanh thu từ dược phẩm dự kiến đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 1,78 % GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR (2020 - 2025) là 8%.

Mặt khác, động lực của ngành dược trong dài hạn là sự đầu tư của các công ty dược phẩm đa quốc gia, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mở rộng bảo hiểm y tế xã hội và nhân khẩu học cả nước.

Nửa cuối năm 2022 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh của số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện và hoạt động đấu thầu thuốc diễn ra bình thường trở lại. Tăng trưởng doanh thu toàn ngành tăng khoảng 13% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và 11% so với cùng kỳ đối với cả năm 2022, phục hồi gần về mức doanh thu trước Covid-19.

Ngọc Minh