Ông Sơn Nguyễn – Phó chủ tịch phụ trách giải pháp và dịch vụ của Cloud4C, công ty dịch vụ điện toán đám mây trụ sở Singapore – đánh giá Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế số mạnh mẽ, các doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi số. Tuy nhiên càng nhiều doanh nghiệp và người dùng sử dụng công nghệ trực tuyến thì nguy cơ bị tin tặc tấn công càng tăng lên. Trong đó, tấn công ransomware nổi lên như một mối đe doạ lớn.

{keywords}
Ảnh: zephyr_p/Fotolia

Năm 2017, cuộc tấn công ransomware có tên WannaCry đã xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát trên hơn 1.900 thiết bị tại Việt Nam và buộc các hãng phải trả hàng nghìn USD để khôi phục cơ sở dữ liệu. Năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ gặp phải ransomware cao nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông Sơn, để hạn chế hậu quả của ransomware, giải pháp “phòng bệnh hơn chữa bệnh” trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết.

Bước đầu tiên mà các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam nên thực hiện là củng cố vững chắc cơ sở hạ tầng an ninh của mình bằng một giải pháp bảo mật điểm cuối mạnh mẽ, đáng tin cậy.

Các giải pháp an ninh mạng thường được cài đặt trên các thiết bị điểm cuối giúp phát hiện và ngăn chặn phần mềm độc hại lây nhiễm vào thiết bị ngay từ đầu. Các chức năng phòng ngừa khác chẳng hạn như việc nâng cấp bảo mật cho từng thiết bị và cảnh báo cho người dùng trước các trang web hoặc thư mục độc hại.

Bên cạnh đó, bảo mật email cũng cần được các công ty ưu tiên vì các hình thức giả mạo qua email cũng là một trong những phương thức tấn công phổ biến và có xu hướng gia tăng - Việt Nam đã ghi nhận 547 lần lừa đảo chỉ trong quý 3 năm 2021.

Trong phương thức tấn công bằng email, hacker mồi chài người dùng nhấp vào các liên kết hoặc tệp được ngụy trang trong email, khi đó ransomware sẽ được cài vào thiết bị. Vấn đề này có thể được xử lý thông qua các cổng email bảo mật và các giải pháp bảo mật email, có thể lọc thông tin liên lạc qua email để ngăn chặn các mối đe dọa tiếp cận người dùng, trong khi các giải pháp lọc web có thể ngăn người dùng tiếp tục đến các trang web độc hại.

Ngoài ra, nhiều người Việt Nam hiện đang sử dụng các thiết bị cá nhân để làm việc tại nhà. Việc này mang đến nhiều tiện lợi nhưng lại gây ra những vấn đề nghiêm trọng về an ninh mạng.

Các thiết bị cá nhân thường kém an toàn hơn nhiều so với các thiết bị công vụ vì chúng thường có các lớp bảo vệ kém hơn và/hoặc truy cập Internet qua các mạng không được bảo vệ.

Vì rủi ro bảo mật đến từ phía nhân viên thường là lớn nhất, nên các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bằng cách cung cấp khóa đào tạo về an ninh mạng từ các chuyên gia CNTT, cũng như đảm bảo rằng nhân viên có thể xác định đâu là mối đe dọa và tuân thủ các giao thức an ninh để tránh gây ra lỗ hổng bảo mật.

Ở tuyến phòng thủ cuối cùng, các doanh nghiệp nên sở hữu một giải pháp lưu trữ dự phòng. Khi đã đảm bảo việc lưu trữ các bản ghi, các công ty Việt Nam có thể khôi phục dữ liệu của mình nhanh hơn nhiều và hoàn toàn không phải lo lắng bởi những kẻ tấn công.

Tuy nhiên, để thực hiện công tác sao lưu một cách hiệu quả, việc này cần phải được thực hiện và kiểm tra một cách thường xuyên. Các công ty cũng cần loại bỏ suy nghĩ bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Hãy tạo nhiều bản sao lưu – có thể là offline hay lưu trữ trên các đám mây khác nhau hoặc cả hai.

Mã độc tống tiền (ransomware) là một trong những loại tấn công mạng khét tiếng nhất. Nói một cách đơn giản, mã độc tống tiền là một đoạn mã độc hại tấn công thông qua email, văn bản, cửa sổ quảng cáo hoặc các hình thức liên lạc khác mà tưởng chừng như vô hại.

Điều khiến ransomware trở nên nguy hiểm là nó không chỉ dừng lại ở việc xâm nhập hoặc làm hỏng các tệp và thiết bị. Sau khi ransomware có được quyền truy cập vào một thiết bị hoặc cơ sở dữ liệu - thường thông qua hình thức giả mạo là một tệp hoặc liên kết đáng ngờ - nó khiến cho bất kỳ ai không nắm được mật khẩu khoá chính xác đều không thể truy cập được vào dữ liệu quan trọng.

Tin tặc sẽ từ đó yêu cầu một khoản tiền chuộc “cắt cổ” cho mật khẩu mở khóa và việc không thanh toán trong thời hạn chúng đưa ra thường sẽ dẫn đến việc dữ liệu bị phá hủy hoặc bị tung ra ngoài một cách công khai. Điều này có thể gây ra những hậu quả thảm khốc như vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người dùng và/hoặc làm lộ bí mật thương mại.

Hải Đăng

Doanh nghiệp Việt nên chuyển đổi số thận trọng

Doanh nghiệp Việt nên chuyển đổi số thận trọng

Theo ý kiến chuyên gia, áp lực chuyển đổi số nhanh chóng có thể khiến doanh nghiệp lơ là vấn đề bảo mật, do đó quá trình này cần được tiến hành cẩn trọng.