Công việc Tết lương cao: Nghề chạy xe ôm công nghệ và vận chuyển hàng hóa
Chạy xe ôm công nghệ được biết đến từ khá lâu và dần phổ biến hơn chục năm nay. Tết đến nhu cầu đi lại nhiều hơn, nhất là nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng hóa cũng tăng cao. Thu nhập của các bác tài xế dịp Tết có thể tăng gấp đôi nếu chăm chỉ ra đường.
Tuy vậy, công việc cũng khá vất vả vì thường xuyên ngồi trên xe, cũng phải đối mặt với việc tắc đường thường xuyên hơn. Nếu không thông thuộc đường phố thì rất có thể sẽ không tối ưu được quãng đường, và chi phí xăng xe cũng nhiều hơn.
Trung bình thu nhập của các tài xế xe ôm rơi vào khoảng 500-600 nghìn đồng/ngày. Cận Tết thu nhập có thể được từ 800-1 triệu đồng/ngày hoặc hơn nếu tài xế nhận chở hàng hóa cồng kềnh (ngày làm 8-10 tiếng).
Công việc Tết lương cao: Các nghề làm đẹp như cắt tóc, gội đầu, chăm sóc da
Sau một năm bận rộn vất vả, cuối năm thường là thời điểm các quán cắt tóc gội đầu đông nghịt người. Bảng giá cho 1 lần làm tóc, tạo kiểu, uốn nhuộm có thể lên tới 1-5 triệu đồng, tùy thuộc nhu cầu của thượng khách.
Tương tự dịch vụ chăm sóc da mặt, tắm trắng cũng đắt khách không kém. Với tâm lý cả năm có thể xấu, nhưng sang đầu xuân năm mới lúc nào cũng phải xinh tươi, các khách hàng có thể bỏ ra tiền triệu đi làm đẹp mà không tiếc.
Vào 3 tuần cuối cùng của năm lượng khách hàng tìm tới với các dịch vụ làm đẹp có thể tăng gấp 3-4 ngày thường. Bởi vậy nguồn thu của các cửa hàng có thể tăng đột biến. Một chủ spa tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, tháng Tết tiệm của chị có mức thu nhập hơn 300 triệu đồng, tăng hơn gấp đôi so với các tháng bình thường.
Công việc Tết lương cao: Nghề bán thực phẩm online
Khác với Tết xưa, ai cũng phải vào bếp chuẩn bị đồ ăn, giờ đây - Tết nay người Việt nhất là người Việt ở các thành phố lớn thường ít có thói quen chuẩn bị, tích trữ đồ ăn. Các dịch vụ nấu cỗ, nấu đồ ăn Tết phát triển đa dạng, nhất là dịch vụ bán hàng ăn online phát triển. Bởi vậy, nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ lựa chọn các thực phẩm được chế biến từ các "bếp nhà" để có đồ ăn Tết.
Theo chia sẻ của một chủ quán bán hàng thực phẩm online thì Tết này chị nhận làm khoảng 10 món ăn chủ đạo cho khách. Ví dụ: thịt khô gà; thịt bò khô; mứt; chân gà ngâm tắc; nấu cỗ; làm giò; kho cá tộ... ngoài ra còn nhận đặt cỗ cúng ông Công, ông Táo...
Giá một mâm cỗ từ 1-3 triệu đồng, tùy yêu cầu của khách. Đến thời điểm hiện tại (mùng 10 âm) chị đã nhận khoảng 200 đơn đặt hàng các loại. Nhiều nhất vẫn là chế biến mấy món ăn khô, làm thịt bò kho mắm, mứt... Để hoàn thành các đơn hàng chị đã phải thuê thêm 2 nhân viên hỗ trợ sơ chế và đóng gói, vận chuyển hàng.
Chia sẻ riêng về mức thu nhập, chị này cho biết dù công việc vất vả nhưng vẫn phải cố vì làm cả năm không ăn thua bằng làm một vụ Tết. Thu nhập tháng Tết từ tiệm bếp tại gia của chị các năm trước có thể lên tới hơn 100 triệu đồng/tháng.
Công việc Tết lương cao: Công việc buôn hoa, cây cảnh dịp Tết
Với tâm lý làm cả năm tiêu 3 ngày Tết, người Việt thường có xu hướng mua sắm nhiều vào Tết. Đặc biệt, dịp Tết lượng khách có nhu cầu mua bán hàng hoa tươi, cây cảnh, đào quất... cũng tăng nhiều. Gần như nhà nào cũng phải làm một vài bó hoa tươi, vì vậy đây là cơ hội lớn của những người làm nghề buôn bán hoa tươi.
Loại hoa biểu tượng của Tết, của mùa xuân là hoa đào vì thế Tết đến, hầu như nhà ai cũng sắm cho mình một cành đào với mong muốn một năm mới vận may sẽ tới. Bên cạnh đào, người buôn quất, hoa hồng tươi, lan hồ điệp... cũng khá đắt khách. Thu nhập của những người buôn hoa có thể lên tới vài triệu thậm chí vài chục triệu đồng 1 ngày nếu lượng hoa tiêu thụ tốt.
Theo Dân Việt