Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 103 xã của 74 huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 402.314 con gia cầm (chiếm 0,08% tổng đàn gia cầm cả nước). Trong đó, tháng 6, tháng 7 Việt Nam đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao A/H5N8, là chủng cúm nguy hiểm có thể lây sang người và gây tử vong.
Hiện cả nước có 4 ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh Lạng Sơn, Ninh Bình, Tây Ninh, Bình Phước chưa qua 21 ngày.
Trên cả nước có 4 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. |
Để chủ động ngăn chặn virus cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao khác, hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm và gây tử vong cho người, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm.
Theo nhận định của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra ở đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và ở hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ. Ngoài ra, nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm A/H7N9, A/H5N2… xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Để phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm bảo đảm tỷ lệ tiêm đạt 80% tổng đàn trở lên. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về tiêm phòng và lợi ích của tiêm phòng cho, gia cầm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tích cực tham gia tiêm phòng.
Tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu vắc xin đăng ký với chi cục chăn nuôi và thú y của tỉnh trước đợt tiêm phòng để cung ứng đầy đủ số lượng, đúng chủng loại… bảo đảm đúng quy định, đạt kế hoạch và chỉ tiêu được giao. Bố trí, hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác triển khai thực hiện, mua dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng…
Người chăn nuôi cần vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi trước khi tái đàn, tăng đàn. Đồng thời, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi theo quy định của pháp luật, áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi liên kết, chăn nuôi phòng lạnh…
Thực hiện xử lý chất thải trong chăn nuôi vì đây khâu rất quan trọng để bảo đảm chất lượng chăn nuôi cũng như sức khỏe của con người. Chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống của cộng đồng dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi
Tuyệt đối không tham gia hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới. Không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Minh Phúc