Những ngày cuối năm, Trịnh Nam Sơn cảm nhận rõ nỗi khắc khoải trong mình về cái Tết xưa. Hình ảnh hoa đào, hoa mai, nồi bánh chưng được bạn bè đăng tải trên mạng xã hội khiến nhạc sĩ thêm hoài niệm. 

Nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn nhớ Tết xưa. 

Trịnh Nam Sơn cho rằng những khoảnh khắc đón năm mới đủ đầy về vật chất của hiện tại lại làm anh nhớ về cái Tết khó khăn và ắp đầy kỷ niệm thời thơ ấu. 

“Hình như ai xa quê hương cũng trải qua những hoài niệm của ngày xuân nơi quê nhà. Với tôi, không chỉ ngày Tết mà cả một quãng trời thơ ấu ở Đà Lạt đã là ký ức, hoài niệm và cảm xúc đầu đời”, anh kể. Với Trịnh Nam Sơn, càng sống xa quê hương với những bộn bề của cuộc sống khiến anh thêm trân trọng hơn giây phút đoàn viên sum họp. 

Trịnh Nam Sơn và bạn gái Giáng Tiên nhiều năm luôn giữ văn hóa Tết Việt nơi xứ người. 

Để xua tan nỗi nhớ quê, mỗi dịp đầu năm, anh cố gắng cùng gia đình giữ những nếp văn hóa Việt. Đó là dọn dẹp nhà cửa, bày hoa quả, bánh trái, chuẩn bị bao lì xì, đi lễ chùa, xem pháo hoa, múa lân. Mâm cỗ gồm các món: bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu… Mọi thứ được anh và bạn gái Giáng Tiên chuẩn bị tươm tất từ trước đêm giao thừa. 

Hàng xóm xung quanh nhà Trịnh Nam Sơn đa phần là người Việt nên nhà nào cũng luôn giữ phong tục. Do chênh lệch múi giờ so với Việt Nam, anh nói đùa mỗi năm mình sẽ được ăn Tết 2 lần cách nhau chỉ mười mấy tiếng. 

Trịnh Nam Sơn nói việc giữ phong vị truyền thống Tết xưa trong xã hội hiện đại ngày nay rất khó. Do đó, anh luôn ý thức dạy bảo thế hệ sau hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp của dân tộc. 

“Tôi muốn cả gia đình được hòa vào không khí đón ngày lễ cổ truyền. Các thành viên bên nhau trong bữa cơm ngày cuối năm, cùng chia sẻ những buồn vui để bắt đầu một năm mới hứng khởi hơn. Tôi hy vọng thói quen này được trao truyền, cũng như thói quen đẹp sẽ được gìn giữ”, anh nói. 

Nhạc sĩ tích cực tập luyện cho đêm nhạc tái ngộ khán giả Hà Nội vào ngày 7-8/3. 

Hiện nhạc sĩ tích cực tập luyện cho sự tái ngộ với khán giả Hà Nội dịp 8/3. Các sáng tác quen thuộc từng làm nên tên tuổi của anh như: Quên đi tình yêu cũ, Dĩ vãng, Đợi bước anh về, Con đường màu xanh, Về đây em,… sẽ được thể hiện trong đêm nhạc. Hình ảnh người nghệ sĩ lãng tử với cây kèn saxophone, cất giọng hát kể những câu chuyện tình qua âm nhạc sẽ là điểm nhấn của chương trình. 

Trịnh Nam Sơn sinh năm 1956, là cháu đời thứ tư của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Nam nhạc sĩ sinh ra ở Sài Gòn, trải qua tuổi thơ ở Đà Lạt. Cuối 1976, Trịnh Nam Sơn sang Mỹ định cư.

Từ đầu thập niên 1990, anh được yêu mến với những bản tình ca tự sáng tác và thể hiện. Chất nhạc của Trịnh Nam Sơn được nhận xét lãng du, mộc mạc và khao khát mãnh liệt. Nhạc sĩ luôn tâm niệm, sáng tác là phụ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc trong tình yêu. Dư vị tình cảm của chính mình được anh chắt lọc, đưa vào tác phẩm. Trịnh Nam Sơn từng nói sở thích đơn giản của anh là được sáng tác, hát, yêu cuộc sống và yêu người phụ nữ bên cạnh mình.

Trịnh Nam Sơn hát "Về đây em"