Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời vừa phê duyệt quyết định đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Bảo tàng này có tổng kinh phí xây dựng 400 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Theo đó, nguồn kinh phí gồm ngân sách nhà nước (của Trung ương, tỉnh) và xã hội hoá.
Vĩnh Long cho biết thêm, về nguồn xã hội hoá đã có công ty cam kết tài trợ và nguồn từ các dự án tài trợ của Trường ĐH Cần Thơ…
Theo quyết định, bảo tàng này là đơn vị sự nghiệp có thu một phần và trực thuộc UBND tỉnh Vĩnh Long.
Dự kiến nhân sự ban đầu khoảng 30 người, số này có thể tăng theo sự phát triển của báo tàng.
Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ được xây dựng tại ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm. Tổng diện tích là 11,4ha. Trong đó, diện tích khu đất đã được bồi hoàn khoảng 3,44ha, diện tích còn lại là đất nông nghiệp (vườn, ruộng) nên tỉnh đánh giá chi phí bồi hoàn không lớn.
Mục tiêu của dự án nhằm tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng, xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy được giá trị của di sản văn hoá nông nghiệp vùng.
Phục vụ cho nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hoá của công chúng và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay trong vùng.
Tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của nông dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã có vai trò to lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế -xã hội.
Bảo tồn các di sản văn hóa nông nghiệp... Cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của địa phương.
Đối tượng phục vụ là người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội, khách du lịch trong và ngoài nước, các nhà khoa học, lịch sử, văn hoá, học sinh, sinh viên, giáo viên…
Nội dung trưng bày chủ đạo của bảo tàng tập trung vào sự tương tác giữa con người với thiên nhiên lên hoạt động tổ chức sản xuất, từ đó góp phần hình thành nền văn hoá nông nghiệp ở ĐBSCL qua các thời kỳ.
Đối tượng trưng bày cụ thể là các hiện vật bao gồm vật thể và phi vật thể như bản đồ, hình ảnh, video, văn bản chính sách, mô hình, các giống cây trồng và vật nuôi quý hiếm hay độc đáo của vùng, nông cụ, ngư cụ...
Hiện vật và tư liệu của từng chuyên đề được sắp xếp theo tiến trình lịch sử qua 4 thời kỳ: Nền nông nghiệp vương quốc Phù Nam và Chân Lạp, trước năm 1698; quá trình Nam tiến và khẩn hoang của các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn (1698-1858); tổ chức sản xuất nông nghiệp thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa (1858-1975) và nền nông nghiệp thâm canh ở ĐBSCL thời kỳ đổi mới và hội nhập, giai đoạn từ 1975 đến nay.
Dự kiến, công trình được triển khai xây dựng từ năm 2022, hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2027.
Tiết lộ giá từng camera khiến Vĩnh Long dốc hầu bao gần 200 tỷ
Giám đốc Sở KH-ĐT Vĩnh Long cho biết, trong "dự án chi 199,1 tỷ đồng gắn 114 camera", thì chiếc camera đắt nhất có giá hơn 124 triệu đồng.
Hoài Thanh