Xe côn tay không chỉ đơn giản là tăng ga nhả từ từ, cũng không chỉ là chuyện tay côn và cùm ga. Mà để điều khiển xe chạy mượt mà, thậm chí là nhanh hơn nhưng vẫn an toàn thì ngoài kỹ năng lái cũng cần có những mẹo riêng khi sử dụng.

Sử dụng phanh sau khi tắc đường giữ thăng bằng tốt hơn

Nghe thì có vẻ đơn giản kiểu ai chả biết nhưng thực sự không nhiều người để ý vấn đề đó. Về cơ bản là với thói quen ngón tay phải lúc nào cũng đặt lên tay phanh trước nên cứ mỗi lần cần giảm tốc là chúng ta sẽ theo quán tính nhấn phanh trước đầu tiên.

Sử dụng phanh sau giúp bạn cân bằng được lực kéo từ động cơ phát ra và chuẩn bị cho việc nếu chẳng may chết máy. Nhưng nếu sử dụng phanh trước, lực nhấn làm cho phuộc trước nhún xuống và ngay khi tăng tốc, độ đàn hồi từ phuộc cộng thêm lực kéo giật thốc sẽ làm bạn khó giữ thăng bằng khi lách qua những làn xe.

Nhẹ nhàng nhấn và giữ phanh với một lực vừa phải, chỉ vừa đủ để cung cấp một chút ma sát và đảm bảo cho xe không bị trôi khi bạn bóp tay côn vào.

{keywords}

Về ga một chút về số ngọt ngào hơn

Trước khi biết đi xe côn cứ thấy mấy anh nẹt pô ngoài đường là ngổ ngáo, tinh tướng lắm. Nhưng đến khi chạy xe côn rồi, tôi mới nhận ra một vấn đề là: nẹt pô (tức vê ga) giúp chiếc xe về số ngọt ngào và đỡ hại hộp số hơn. Dù rằng là ở tốc độ 80 km/h vẫn có thể về “N” êm ái không hề có tiếng “lạch cạch” chỉ với vài cái vê ga đơn giản.

Giả dụ bạn đang nài xe ở tốc độ 60 km/h tại vòng tua 6.000 vòng/ phút, khi cần về số bạn sẽ phải bóp tay côn, điều đó dẫn đến việc vòng tua máy giảm dần. Điều bạn cần là vê ga để vòng tua lên đến con số 6.000 vòng/ phút hay chính xác hơn là vòng tua trùng với tốc độ của chiếc xe vào thời điểm đó. Và số sẽ nhảy ngọt ngào như xe vừa mới mua.

Góc cua mở hay góc cua hẹp?

Đây là vấn đề mỗi người mới chơi xe hay gặp phải. Khi tiến đến gần một góc cua khuất rất khó phán đoán xem đó là cua hẹp hay cua mở để còn chuẩn bị tăng ga hay về số.

Những gì bạn cần làm chỉ là quan sát xem điểm nối giữa hai mép đường tiến vào gần hay trôi ra xa. Nếu điểm đó có xu hướng đến gần bạn, thì đó là góc cua hẹp. Nhưng nếu nó càng ngày càng xa dần, thì đó là góc cua mở, bạn có thể yên tâm và tăng ga.

Nghe có vẻ ma giáo, nhưng thực sự hoạt động như ma thuật, thần kì vô cùng.

Lên số sống

Đây là một trong những mẹo tôi ưa thích nhất. Lên số sống không cần côn khiến chiếc xe tăng tốc nhanh hơn, đỡ mất thời gian lên số vì đã cắt mấy công đoạn bóp côn nhả côn rồi. Nghe thì có vẻ hại máy nhưng nếu thực hiện chuẩn chỉ, lên số sống không những giúp lá côn xe đỡ hao mòn mà còn giữ cho hộp số ổn định trong trạng thái tốt hơn.

Cách thực hiện vô cùng đơn giản, chỉ mất nhiều thời gian luyện tập chút. Đó là khi bạn nài xe đến thời điểm bạn cảm thấy cần phải lên số, chỉ cần móc chân xuống dưới số và áp dụng một lực nhẹ lên cần số. Kế đến ngay lập tức về ga thật nhanh, móc nhẹ chân và bạn sễ thấy số trượt vào một cách êm ái, và đừng quên tăng ga ngay lập tức. Động tác này đòi hỏi phải thật nhanh nên bạn sẽ cần một thời gian đầu luyện tập khá vất vả đấy nhé.

Nhưng một khi đã biết lên số sống rồi thì hiếm có thanh niên nào từ chối được kỹ thuật này lắm đấy!!

Đánh lái ngược

Nôm na ví dụ là rẽ trái để cua phải, đây cũng là một trong những chiêu nài khó tập luyện nhất. Cũng là thuật ngữ dễ bị hiểu sai, có nhiều người làm được, nhưng thậm chí không biết là mình đang “đánh lái ngược”.

Hãy làm một phép thử nhé. Ngồi lên xe, hai chân đặt vững chắc trên mặt đất. Tiếp đến chuyển hướng chiếc xe sang bên trái thì theo bạn xe sẽ có xu hướng đổ về bên nào? Chính là bên phải đó! Nhìn bánh trước và bạn sẽ thấy mình đang tạo ra một điểm mà nó ở một bên và phần lớn thân xe ở bên còn lại. Chiếc xe sẽ muốn đổ về điểm đó.

Tập luyện thành thục kĩ năng đánh lái ngược giúp bạn phát triển khả năng điều khiển xe của mình và kiểm soát được tính an toàn ở tốc độ mình muốn khi vào cua.

(Theo Tạp chí Ôtô Xe máy Việt Nam)