Bánh đúc vốn là một thứ quà ăn chơi giản dị nhưng đầy sức mê hoặc với nhiều biến thể từ nóng đến nguội, từ mặn đến ngọt.
Bánh đúc lạc chấm tương
Bánh đúc là món bánh truyền thống Việt Nam và đặc biệt phổ biến ở miền Bắc. Bánh đúc lạc chấm tương bần là một thứ quà quê giản dị mà thân thương. Chẳng cầu nguyên liệu cao sang, chỉ từ hạt gạo làng quê với sự khéo léo của các mẹ, các chị, thứ bánh này đã khiến bao người xa quê nhung nhớ.
Bánh đúc làm từ gạo tẻ ngâm với nước vôi trong, nghiền nhỏ thành bột cho vào nồi nấu và quấy thật đều tay. Lúc gần được thì cho lạc rang vào trộn đều. Khi bánh được đổ ra mẹt lót lá chuối, chờ nguội thì xắt từng miếng chấm cùng tương. Bánh đúc lạc ngon không nát mà phải mềm, dẻo, giòn giòn, cầm không hề dính tay, mịn, bóng. Cái bùi của lạc rang, cùng với vị gạo thanh thanh và đậm đà, beo béo của tương hòa vào nhau vừa dung dị, vừa gợi nhiều cảm xúc về một vùng đất rất đỗi bình yên.
Bánh đúc nóng
Bánh đúc nóng được xếp vào hàng món ăn tiêu biểu của mùa lạnh Hà Nội, dù thực ra vào màu nóng, món ăn này vẫn đắt khách như thường. Bánh đúc ăn nóng nên nấu sền sệt và luôn được giữ nóng, khi có khách ăn, chủ quán múc vào bát một muôi bột bánh, thêm chút nhân thịt băm xào cùng mộc nhĩ, chút rau mùi thái nhỏ, hành phi thơm phức và hai, ba miếng đậu rán vàng ươm. Cuối cùng chan thêm nước chấm pha nhạt rồi đưa cho thực khách.
Bột bánh đúc dẻo mịn, lúc nào cũng được đặt trên bếp than nóng. |
Mùa đông bưng bát bánh đúc nóng hổi, mềm mịn ăn với nước chấm hơi mằn mặn, đậm đà và nhân thịt mộc nhĩ giòn, hành khô thơm thì thật tuyệt! Một số địa chỉ bánh đúc nóng ngon ở Hà Nội có thể kể đến như quán bánh đúc trong phố Lê Ngọc Hân, bánh đúc ngõ 296 Minh Khai...
Món bánh đúc nóng là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu với màu sắc hài hòa, bắt mắt. |
Bánh đúc nộm
Bánh đúc nộm là một món ăn chân chất, mộc mạc như đồng quê Bắc Bộ. Người ta ăn bánh đúc nộm không cốt lấy no, mà chỉ ăn chơi trong những ngày hè nóng bức. Món ăn giản đơn, bình dị từ nguyên liệu tạo nên món ăn đến hương vị nhẹ nhàng, tinh tế của nó.
Bánh đúc để làm nộm sẽ được nấu từ tối hôm trước cho nguội nhưng vẫn giữ được độ mềm và trắng trong. Khi khách gọi, cô chủ hàng dùng con dao sắc để cắt nhỏ khối bánh đúc to kia thành những miếng mỏng, dài như sợi phở và cho vào chiếc bát. Thêm ít giá đỗ chần sơ trắng phau đã chuẩn bị trước xếp vào một góc rồi chan nước canh vừng lạc béo ngậy lên trên.
Nhiều người bảo nước canh chính là hồn cốt của món ăn. Nước canh được làm từ vừng lạc, phải làm thật khéo để cho ra màu trắng sữa sóng sánh, khi ăn có vị thơm ngậy, ngọt ngọt, bùi bùi, beo béo. Bát bánh đúc nộm ngon không thể thiếu vắng sự có mặt của các loại rau sống, đặc biệt là rau húng, rau ngổ, lá tía tô, kèm thêm ít thân chuối non thái mỏng. Khi ăn, thực khách sẽ tự bỏ thêm rau vào bát của mình, thêm một chút ớt tươi thái mỏng hay ớt bột khô là bạn đã có thể thưởng thức món bánh đúc nộm đầy đủ hương, vị và sắc.
Một số địa điểm cố định tại Hà Nội để bạn thưởng thức món ăn này là trước cửa nhà số 66 Hàng Bạc, từ 6h30 - 11h30; Gần số 14 Đào Duy Từ, từ 15h - 19h; Góc ngã tư Hàng Than - Nguyễn Trường Tộ, từ 15h - 18h.
Bánh đúc sốt
Bánh đúc sốt là món ăn chỉ có ở xứ Thanh với hương vị riêng biệt và màu sắc khá đẹp mắt: màu xanh ngọc. Bột gạo tẻ nấu cùng ít nước vôi trong, phải có cả mỡ và hành phi để dậy mùi thơm. Rau ngót hoặc rau cải giã, lấy nước cốt pha vào nồi bánh, ấy chính là tạo nên màu xanh ngọc của bánh đúc sốt. Cứ đun trên lửa liu riu cho tới khi bánh chín, liên tục đảo đều tay bằng đũa cả để bánh được sánh, không bị vón cục.
Bánh đúc sốt phải ăn khi nóng hổi - Ảnh: H.Sơn |
Món bánh đúc này phải ăn nóng, nồi bánh nhấc khỏi bếp được đặt trong thúng có lớp vải và nilông bao bọc kỹ để giữ nhiệt. Khi có khách ăn, cô bán hàng mới múc bánh ra bát, khói tỏa nghi ngút cùng mùi thơm ngào ngạt. Rải lên bát bánh một vài thìa đỗ xanh đã được nấu chín, đánh tơi.
Thức quà quê dân dã gắn bó tuổi thơ - Ảnh: H.Sơn |
Bát bánh đúc sốt có màu xanh ngọc sóng sánh, lại thêm màu vàng của đỗ xanh phía trên, hương vị thì khỏi chê bởi vị là lạ, ngầy ngậy của bột gạo nấu nước ngót, lại có đỗ xanh bùi bùi. Đặc biệt, phần cháy nồi của bánh đúc sốt cũng rất ngon, giòn giòn, muốn ăn phải dặn cô bán hàng để dành thì mới có. Món ăn đơn giản, dân dã, không đắt tiền, nhưng bổ dưỡng và đặc biệt hơn, nó là cả tuổi thơ khiến ai đi xa quê cũng có lúc đau đáu nhớ về tiếng rao ấy, mùi vị ấy...
Cháy bánh đúc sốt - Ảnh: H.Sơn |
Bánh đúc lá dứa
Bánh đúc là dứa là món bánh đúc ngọt duy nhất trong danh sách này. Người dân Nam Bộ chẳng ai còn lạ gì món bánh đúc ấy. Bánh được làm từ gạo, lá dứa và thêm chút nước tro tàu cho bánh dai hơn. Khi ăn thì cắt bánh đúc thành miếng, chan nước đường, nước dừa và rắc mè rang lên món ăn thật bắt mắt và trông vô cùng hấp dẫn. Nếm một miếng bánh, người ăn sẽ cảm thấy độ dai của bánh quyện với vị béo của nước cốt, vị ngọt của đường, vị bùi bùi của đậu phộng cộng với mùi thơm thoang thoảng toả ra từ lá dứa.
(Theo Afamily.vn)