- Năm 2007, sau khi Bộ GD&ĐT có quy định về quan lý dạy thêm, học thêm, tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng ban hành quyết định quản lý việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhìn nhận lại những gì đã làm được, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh này vẫn thừa nhận việc quản lý hoạt động này vẫn chưa được tốt, chưa quyết liệt.

THÔNG TIN LIÊN QUAN

 


Một phần nội dung quyết định số 66 năm 2007 của UBND tỉnh Nghệ An về quản lý dạy thêm, học thêm.
Chưa quyết liệt

 

Sau khi Bộ GD&ĐT có quyết định số 03 ngày 31/01/2007 về quản lý dạy thêm, học thêm, ngày 18/5/2007, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành quyết định số 66 về việc tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

 

Đáng chú ý trong quyết định số 66, UBND tỉnh Nghệ An đã quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường phải được cơ quan chức năng cấp phép, giám sát, quản lý.

 

Đối với dạy thêm ngoài nhà trường hệ THPT do Sở GDĐT cấp phép, hệ tiểu học, THCS do Phòng GD&ĐT huyện, thành phố thị xã cấp phép.

 

Với nội dung đó, làm việc với Phó Chánh văn phòng Sở GD & ĐT tỉnh Nghệ An ông Nguyễn Trọng Hoàn cho biết, thực hiện quyết định về quản lý dạy thêm, học thêm của UBND tỉnh, Sở GD Nghệ An từ năm 2007 đến nay đã cấp 2 giấy phép cho hoạt động dạy thêm ở huyện Yên Thành.

 

Với con số cấp phép quá ít ỏi như thế trong suốt khoảng thời gian 5 năm qua trên địa bàn tỉnh, ông Hoàn thừa nhận là do chưa có chế tài cụ thể, các cơ quan quản lý cũng chưa quyết liệt và chưa có sự phối hợp tốt.

 

Ông Thái Khắc Tân trưởng phòng GD&ĐT TP. Vinh cho biết, trong khoảng thời gian từ 2007 đến nay, Phòng đã cấp phép 127 giấy phép dạy thêm cho THCS. Trong đó, riêng năm 2012 đến thời điểm này có 96 hồ sơ xin cấp phép dạy thêm, tuy nhiên phòng mới cấp phép 11 trường hợp, số còn lại đang tiếp tục xem xét, kiểm tra.

 

Nói về công tác quản lý dạy thêm ngoài nhà trường thuộc chức năng của phòng, ông Tân cho biết, phòng cũng đã tăng cường thanh, kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương  quản lý hoạt động dạy thêm. Tuy nhiên, cũng khó mà làm triệt để được. Đâu đó vẫn còn một số thầy, cô dạy kèm tại nhà với số lượng 5 – 7 học sinh. Việc này phòng đang theo dõi, xử lý.


Lò luyện thi của ông Nguyễn Huy Liệu ở đường Bạch Liêu, tp Vinh được “mượn” tên thầy Lê Quốc Hán

 

Khó thu thuế

 

Nghệ An là tỉnh thực hiện việc thu thuế hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường từ khá sớm. Có thể nói đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thưc hiện việc này.

 

Theo ông Nguyễn Hồng Hải Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nghệ An, việc thực hiện thu thuế dạy thêm gặp không ít khó khăn. Số lượng thuế thu được không đáng kể.

 

Nguyên nhân theo ông Hải là do trong thời gian đó, một số tờ báo phản ánh, không ủng hộ việc thu thuế dạy thêm của Cục thuế tỉnh.

 

Rồi người nộp thuế không chịu thực hiện nghĩa vụ, họ cho rằng không có sự công bằng vì những tỉnh khác không thu khoản thuế này, ngay cả những nơi giáo viên có thu nhập cao từ dạy thêm như ở Hà Nội, TP. HCM…

 

Số liệu cụ thể về khoản tiền thuế mà Cục thuế Nghệ An thu được từ hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường ông Hải cho rằng Cục thuế chỉ thống kê thuế theo nhóm, lĩnh vực chứ không thống kê riêng khoản thuế nhỏ lẽ đó. Chính vì thế, ông Hải đã “giới thiệu” cho PV đến làm việc với Chi cục thuế tp. Vinh.

 

Tuy nhiên khi chúng tôi đến xin làm việc với Chi cục thuế Vinh thì bị cơ quan này từ chối cung cấp thông tin.

 

Quan điểm về dự thảo

 

Ngày 7/2/2012, Bộ GD&ĐT đã đưa lên mạng dự thảo về thông tư ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

 

Trong đó có 2 nội dung mới, được nhiều người quan tâm. Đó là việc cấm giáo viên công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia dạy thêm ngoài nhà trường và giáo viên tham gia dạy thêm phải đóng thuế.

 

Với nội dung thứ nhất, ông Nguyễn Trọng Hoàn Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng xét mặt bằng chung thì giáo viên công lập có trình độ chuyên môn cao hơn, tốt hơn tư thục. Cho nên nếu cấm thì chất lượng dạy thêm sẽ bị ảnh hưởng.

 

Còn việc thu thuế dạy thêm thì theo ông Hoàn thì giáo viên sẽ sẵn sàng thực hiện, nếu như ngành thuế triển khai nghiêm túc, quán triệt tốt, thống nhất, công bằng.

 

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Vinh Thái Khắc Tân thì việc cấm giáo viên công lập dạy thêm ngoài nhà trường là không tốt vì như thế sẽ khó khăn cho đời sống giáo viên.

 

Với lại, giáo viên công lập có mặt bằng chung về trình độ chuyên môn cao hơn. Để họ tham gia dạy thêm ngoài nhà trường sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao kiến thức cho học sinh vì thực tế nhu cầu học thêm của học sinh ngày càng tăng.

 

Nói về vấn đề thu thuế giáo viên dạy thêm, ông Tân cho rằng điều đó là đúng và có lẽ hầu hết giáo viên dạy thêm cũng sẽ ủng hộ.

Để có thông tin, số liệu phục vụ cho bài viết, chúng tôi đăng ký nội dung làm việc với ông Lĩnh Trưởng phòng hành chính của Chi cục thuế TP. Vinh, người có chức năng tiếp nhận khi báo chí đến làm việc thì vị này từ chối cung cấp nội dung thông tin về số liệu tiền thuế mà chi cục đã thực hiện được về hoạt động dạy thêm.

 

Ông này nói “việc đó (quản lý dạy thêm) không thể cung cấp vì nó đã quá cũ”. Cao hứng, ông còn khuyên không nên viết về nội dung này nữa, vì chẳng có gì để viết. Khi chúng tôi hỏi tên thì ông không trả lời và không quên nói những lời vừa rồi là không phải phát ngôn chính thức. Rồi ông cao giọng, muốn làm việc thì cứ đến gặp Chi cục trưởng.

 

Khi chúng tôi tìm gặp ông Cù Huy Hùng Chi cục trưởng Chi cục thuế TP. Vinh thì vị này lại nói sang gặp anh Lĩnh. Gải thích đã đăng kí làm việc và được ông Lĩnh giới thiệu lên thì vị chi cục trưởng “đùn đẩy” cứ về gặp anh Lĩnh.


  • Trần Văn – Duy Tuấn