Amnesia: The Dark Descent

Amnesia: The Dark Descent xoay quanh nhân vật Daniel. Tỉnh dậy trong một tòa lâu đài bí ẩn, Daniel không còn nhớ bất cứ điều gì về quá khứ của mình - đúng như tên gọi "mất trí" của trò chơi. Kể từ lúc anh ta bị đem đến đây, điều duy nhất mà anh ta biết lúc này đó là phải tìm cách trốn thoát khỏi nơi đây trước khi quá muộn.

 

Bạn phải dấn thân vào bóng tối dày đặt xung quanh, khi mà trong tay không có một tấc sắt, với người bạn đồng hành chỉ là ngọn đèn dầu leo lét và vài que diêm ít ỏi... Và trong bóng đêm tăm tối kia, có một thứ gì đó đang rình rập, chờ đợi bạn...

 

Đối mặt với "nó" bản chỉ có thể chạy trốn, ẩn nấp hoặc là chết. Khác với lối hù dọa điển hình của những game cùng loại là kẻ thù nhảy xổ về phía bạn khi bạn ít đề phòng nhất, Amnesia hoàn toàn ngược lại khi bạn hoàn toàn nhận rõ được nguy hiểm trước mắt, nhưng không còn đường lùi và chỉ còn cách cho nỗi sợ hãi dẫn dắt từng bước chân tiến về phía trước để rồi chỉ với một tiếng động nho nhỏ cũng có thể khiến bạn giật thót tim.

Slender: The Arrival

Slender: The Arrival là phiên bản làm lại của tựa game kinh dị indie Slender: The Eight Pages vốn thu hút được khá nhiều sự chú ý vì cảm giác "nghẹt thở" mà nó mang lại. Tuy nhiên trò chơi vẫn bị chê trách ở mảng đồ họa quá sơ sài khiến cho tính chất sợ hãi bị giảm đi đáng kể, và cũng chính vì lý do này mà nhà sản xuất Parsec Studio đã hợp tác với Blue Isle để mang Slender Man trở lại với diện mạo hoàn toàn mới.

 

Người chơi sẽ vẫn tiếp tục bị săn đuổi bởi Slender Man như cái tên gợi ý và các bạn cũng đã thấy hắn trong trailer, tuy nhiên bên cạnh đó dường như Slender: The Arrival sẽ có thêm những kẻ thù khác nữa với sự xuất hiện của một hình người đội mũ trùm kín đầu. Việc chạy trốn khỏi Slender Man vốn đã khá vất vả, và nếu như người chơi phải đối phó với thêm cả nhân vật này nữa thì liệu gameplay sẽ bị ảnh hưởng cũng như thay đổi như thế nào?

 

Hình ảnh Slender Man bắt nguồn từ một cuộc thi chỉnh sửa ảnh nhằm biến những bức hình bình thường trở nên đáng sợ bằng các công cụ trợ giúp, nhưng nhân vật này nhanh chóng thu hút được sự chú ý nhờ vào các câu chuyện thêu dệt thêm sau đó cũng như series video Marble Hornets như đã đề cập. Với hình dáng của một sinh vật cao gầy với nhiều chi dài như xúc tu cùng gương mặt không hề có mắt, mũi, mồm... hiện nay Slender Man đã trở thành một trong số những creepypasta nổi tiếng và được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng internet.

The Evil Within

Đối với những game thủ Việt, thì những tựa game nhập vai hay hành động với lối chơi kinh dị tâm lý luôn là những món ăn tinh thần không thể thiếu. Từ những cái tên như Silent Hill, Siren, Fatal Frame, cho tới cả Resident Evil, tất cả đã tạo ra một mảnh ghép riêng không thể nào bỏ qua đối với bất kỳ game thủ Việt nào.

 

Và rồi khi Shinji Mikami, cha đẻ series game Resident Evil rời bỏ Capcom đến với Tango Gameworks với sản phẩm đầu tay là The Evil Within, game thủ chúng ta lại có cơ hội trải nghiệm những phút toát mồ hôi lạnh, lần mò từng bước trong căn bệnh viện ma đầy những sinh vật quái đản chỉ có những nhà làm game cao tay người Nhật mới sáng tạo ra nổi.

 

Về gameplay, dựa trên những đoạn clip giới thiệu cũng như nhận xét từ phía báo giới The Evil Within tỏ ra rất giống với đàn anh Resident Evil 4 của mình. Môi trường, cách di chuyển, ngắm bắn cho tới các trường đoạn chiến đấu đều khiến người chơi liên tưởng mình đang điều khiển một Leon Kennedy dưới vỏ bọc Sebastian Castellanos trong hành trình khám phá những bí ẩn nơi bệnh viện tâm thần Beacon.

Outlast

Điều gì khiến người chơi cảm thấy ghê sợ nhất trong thể loại game kinh dị? Những con quái vật dị dạng, sự thiếu thốn về vũ khí phòng thân hay cảm giác bất lực và buộc phải chạy trốn? Outlast - tựa game kinh dị indie do hãng Red Barrels phát triển hứa hẹn sẽ mang lại tất cả những yếu tố đó.

 

Trong Outlast, người chơi sẽ vào vai nhà báo Miles Upshur, người cố gắng thâm nhập vào nhà thương điên Mount Massive để tìm hiểu vì sao nó lại mở cửa trở lại bởi một tập đoàn bí ẩn sau nhiều năm bị niêm phong. Trò chơi thiết kế theo góc nhin người thứ nhất và Miles chỉ được trang bị một chiếc camera để nhìn được trong bóng tối, tất nhiên nó cũng không thể sử dụng vĩnh viễn mà cần phải có pin - vật dụng đặt rải rác trong các căn phòng tối tăm của Outlast.

 

Nhà báo Mile Upshur là một nhân vật nhỏ con và nhanh nhẹn, điều đó cho phép anh ta dễ dàng di chuyển và tương tác trong môi trường của game. Ngoài ra, ông cũng cho biết nhóm phát triển game đang xem xét việc có nên đưa vũ khí vào trong game hay không, nhưng chắc chắn gameplay chủ yếu vẫn là chạy và giải đố. Như vậy có thể thấy Outlast sẽ mang phong cách rất giống với Amnesia: The Dark Descent, hứa hẹn sẽ mang đến làng game kinh dị một sản phẩm có thể khiến người chơi thực sự cảm thấy sợ hơn là chỉ những khoảnh khắc giật mình.

Until Dawn

Sử dụng chung engine với Killzone: Shadow Fall, thứ đầu tiên thu hút sự chú ý của người xem ở Until Dawn là nền đồ họa bắt mắt nhưng không phải theo kiểu màu sắc đầy hào nhoáng như người anh em đến từ Guerrilla Games. Thay vào đó, những khung cảnh tối tăm thi thoảng mới được thắp sáng đầy ớn lạnh, những gương mặt chi tiết và biểu cảm mới là thứ mà một tựa game tập hướng tới chất điện ảnh như Until Dawn cần đến.

 

Ở Until Dawn, bạn không vào vai một nhân vật cố định mà sẽ theo chân nhóm bạn tuổi teen gồm 8 người trong chuyến hành trình cắm trại qua đêm nhân dịp kỉ niệm một người bạn quá cố của nhóm, bao gồm: Sam (cô gái trong đoạn gameplay trên), Josh, Jessica, Mike, Emily, Matt, Ashley và Chris. Tình hình nhanh chóng xấu đi họ nhận ra rằng mình đang bị săn đuổi bởi một tên sát nhân tầm thần, và lựa chọn của người chơi khi đang điều khiển mỗi nhân vật sẽ quyết định sự sống chết của họ.

 

Theo Trí Thức Trẻ