Nuôi giấc mộng đổi đời, những người dân thật thà vui mừng khi nhận được số tiền “đặt cọc” trước của thương lái thu mua kỳ nam. Nhưng rồi, sau những cuộc ngã giá “có một không hai”, họ mới nhận ra rằng công sức của mình đã bị bọn thương lái đã “ẵm sạch” bằng những cú lừa ngoạn mục.

Chưa có hàng đã “đặt cọc”

Hầu hết những “phu” trầm đi tìm kỳ nam vào cuối năm 2012 ở thôn Phú Cang 2 đều xuất thân từ những người nông dân, quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn. Dù vậy khi thấy người đầu tiên ở trong thôn trúng kỳ nam và giàu lên nhanh chóng thì những người này bỏ dở công việc nương rẫy, vào rừng tìm kỳ nam nuôi giấc mộng đổi đời.

{keywords}

Đào xới, tìm kiếm kỳ nam

Thời điểm đó thôn Phú Cang 2 có khoảng 40 người tìm đến thung lũng Ô Kha (thuộc huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) để truy tìm kỳ nam.

Ông Võ Văn Quang, Trưởng thôn Phú Cang 2, cho biết: “Có khi chỉ trong vòng một ngày, gần 40 người đàn ông và thanh niên trai tráng làm ruộng vườn ở đây kéo nhau đi tìm kỳ nam. Tôi nhìn họ nối đuôi nhau đi mà chóng mặt. Tôi hỏi một vài người thì họ bảo, chỉ cần may mắn tìm được 1 lạng kỳ nam là có thể có được vài trăm triệu, dại gì mà không đi”.

Ông Trần Văn Sơn (SN 1958) cho biết: “Tôi là một trong số những người đi tìm kỳ nam vào thời điểm đó. Lúc đầu vì nhà nghèo không có tiền nên tôi không có ý nghĩ đi, vì nếu đi cũng phải mua sắm cái này cái kia mất hơn 1 triệu đồng.

{keywords}

Ông Trần Văn Sơn kể chuyện bị thương lái lừa khi bán kỳ nam.

Đùng một cái trong thôn bỗng xuất hiện một người đàn ông tên Tài. Người này đến nhà tôi và khuyên tôi nên đi tìm kỳ nam, mọi chi phí mua sắm người này chịu toàn bộ, hồi đó người này đưa tôi 1,5 triệu đồng, kèm với điều kiện khi tìm được kỳ nam thì đem về bán cho người này và người này cũng hứa mua với giá cao nhất, nếu có thương lái nào trả giá mua nữa”.

Không chỉ ông Sơn, nhiều người dân ở thôn Phú Cang 2 cũng được người tự xưng tên Tài này chi tiền để đi tìm kỳ nam, với điều kiện đưa ra giống như ông Sơn.

Cầm số tiền trong tay, những người nông dân chất phác thật thà hăng hái lên đường đi tìm kỳ nam với giấc mộng đổi đời. Nhóm của ông Sơn lúc đó có tất cả 7 người, ông là trưởng nhóm.

Ông Sơn nhớ lại: “Ngày đi tìm kỳ nam, nhìn vợ con ứa nước mắt, tôi cũng thấy sợ, nhưng nghĩ nếu tìm được thì cuộc đời mình và con mình sẽ khác nên tôi nhất quyết đi. Đi ra tới đầu làng, vợ tôi còn chạy theo bảo tôi suy nghĩ lại và tốt nhất nên ở nhà vì nếu tôi có chuyện gì thì con cái sẽ làm ra sao. Nhưng đã dẫn anh em đi, tôi không thể bỏ cuộc được nữa”.

Sau nhiều lần thất bại, quyết không bỏ cuộc, họ lại khăn gói lên thung lũng Ô Kha. Trời không phụ lòng người, lần này nhóm 7 người tìm được một cây gió có mùi thơm ngào ngạt. Cả đoàn mừng điếng người, khai thác được gần 2 ký kỳ nam.

Ông Sơn kể: “Sau khi tìm được kỳ nam, nhóm chia kỳ nam ra làm 2 phần bằng nhau rồi chia làm 2 nhóm băng rừng về nhà. Chia làm 2 nhóm là vì sự an toàn, lỡ nếu gặp cướp giật thì cũng còn một nhóm. Đến tối hôm đó chúng tôi cũng về được đến nhà. Sáng hôm sau chúng tôi tìm mối để bán, đang loay hoay chưa biết giá cả thế nào và chưa tìm được ai mua thì người tên Tài đã bất ngờ xuất hiện”.

Cuộc ngã giá… đau đời

Người đàn ông tên Tài nói: “Anh còn nhớ tôi không, lúc trước tôi đưa 7 người trong nhóm của anh mỗi người 1,5 triệu, ai cũng hứa là tìm được kỳ nam thì bán cho tôi. Bây giờ tìm được rồi thì các anh nên thực hiện lời hứa đó”.

Ông Sơn gật đầu xác nhận là có nhận tiền của người này, nói sẽ bán kỳ nam, nhưng bây giờ thương lái nào trả giá cao thì bán, chứ không bán cho Tài nếu mức giá đưa ra thấp. Điều này cũng hợp lý với điều kiện Tài đưa ra khi đưa tiền cho ông Sơn. Tài gật đầu.

Ông Sơn kể lại: “Lúc đầu Tài đưa ra giá 1 tỉ đồng/kg, chúng tôi nghe vậy đã mừng sắp chết, nhưng tôi vẫn giằng lại là chờ hết ngày hôm nay, nếu không ai trả giá cao hơn 1 tỉ thì bán, còn có ai đưa ra giá cao hơn thì tính tiếp. Nghe nói vậy, Tài bắt đầu cò kè bảo chúng tôi làm khó dễ, rằng chúng tôi không nghĩ đến việc trước đây Tài đã đưa tiền cho chúng tôi đi tìm kỳ nam”.

Đang ngã giá qua lại thì bỗng xuất hiện một người đàn ông khác, tự xưng tên Thành, là nhân viên của Công ty Chế biến trầm Thái Bình Dương, đến mua kỳ nam.

“Người tên Thành này bảo sẽ thu mua số kỳ nam của chúng tôi với giá cao nhất. Lúc này trong nhà có đến 2 người thu mua nên anh em chúng tôi mừng hơn vì cho rằng có thể bán có giá hơn.”, ông Sơn kể.

Người tên Thành đưa cho ông Sơn xem một bảng giá thu mua các loại trầm kỳ, trong đó có ghi chi chít những loại trầm kỳ mà nhóm ông Sơn chưa hề nghe qua.

Đến đầu giờ chiều, không thấy ai đến trả giá ngoài 2 người nói trên, nhóm “phu” trầm đem kỳ nam ra cho khách xem.

Ông Sơn kể: “Sau khi xem xong, người tên Thành đối chiếu vào bảng giá cầm trên tay và ra giá 1,2 tỉ đồng/kg. Người tên Tài trả 1,4 tỉ đồng/kg. Chúng tôi đòi 3 tỉ thì mới bán nhưng hai người vẫn một mực đòi hạ xuống theo như lúc ban đầu. Sau khi thấy chúng tôi bán xong số kỳ nam cho người tên Tài với giá gần 2,8 tỉ đồng, người tên Thành quay lại càm ràm vài câu rồi hậm hực bỏ đi”.

{keywords}

Vui mừng khi tìm thấy một đốt kỳ nam bé bằng ngón tay

Lúc đầu, bán được giá cao hơn so với mức định giá ban đầu nên nhóm “phu” trầm rất mừng vì nghĩ mình đã bán đúng giá. Tuy nhiên, sau này họ mới biết đã bị lừa.

Ông Sơn cho biết: “Hai thằng đó là một nhóm với nhau, tụi nó giả vờ như thế là để ép giá chúng tôi. Sau này chúng tôi mới biết loại kỳ nam chúng tôi bán thời điểm đó có giá gần 5 tỉ đồng/kg. Không ngờ mình đi tìm khổ cực, gặp nhiều nguy hiểm nhưng chỉ hưởng một phần nhỏ, còn bọn thương lái chỉ vài ba đường khua môi múa mép lừa chúng tôi, đã kiếm 7 - 8 tỉ đồng”.

Ông Võ Văn Quang, Trưởng thôn Phú Cang 2, cho biết: “Tôi nghe nhóm ông Sơn bị bọn thương lái lừa mà thấy ấm ức ghê lắm. Mình đi tìm khổ cực thì chẳng được bao nhiêu tiền, còn bọn thương lái thì ngồi không hốt tiền. Lúc đó, người dân cứ bảo nếu tụi nó quay lại thì bảo tụi nó trả thêm tiền, nhưng sau lần đó tụi nó cũng mất tăm. Mà nếu tụi nó có trở lại thì lấy chứng cứ gì để bắt tụi nó trả tiền”.

(Theo PLVN)