Chỉ chưa đầy bốn tháng đầu năm 2011, đã có đến 5 vụ tự tử xảy ra tại học viện danh tiếng ở Hàn Quốc. Đáng lưu ý, sau cái chết của 4 sinh viên, hôm chủ nhật vừa qua, cảnh sát thông báo một giảng viên cũng đã treo cổ tự vẫn.

TIN BÀI KHÁC





Cơn ác mộng mang tên “điểm số”

Báo Korea Herald đưa tin, từ đầu tháng 1 đến 10/4 đã xảy xa 5 vụ tự tử tại học viện KAIST danh tiếng.

Vụ đầu tiên là một sinh viên 20 tuổi tự tử vào hồi tháng 1, sau đó đến một sinh viên 19 tuổi vào tháng 2. Vụ thứ ba là một sinh viên 25 tuổi, tự tử một tuần trước khi xảy ra vụ thứ 4 là một nam sinh cũng mới 19 tuổi. Ngày hôm qua 10/4, một giảng viên 54 tuổi được phát hiện đã chết do treo cổ tự vẫn tại căn hộ của mình.

Cả bốn vụ tự tử của sinh viên đều được cho là do bị bế tắc dưới áp lực cạnh tranh quá căng thẳng về thành tích và chính sách học phí mang tính trừng phạt của trường.

Theo nguồn tin từ Asian One, vụ tự tử gần nhất xảy ra ngày 7/4. Nạn nhân là sinh viên mới 19 tuổi, nhảy từ mái tòa nhà ở Incheon, chỉ một ngày sau khi sinh viên này gửi đơn xin tạm nghỉ học đến văn phòng khoa với xác nhận đang bị trầm cảm của bác sĩ.

Chương trình học tại Học viện KAIST được cho là khá nặng, với phần lớn các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Chính vì thế, vô hình chung tạo ra áp lực vô cùng căng thẳng cho sinh viên trong cuộc chạy đua điểm số này.

Áp lực học phí


Năm 2007, Suh Nam Pyo, chủ tịch học viện, vốn là giáo sư từ Học viện kỹ Công nghệ Massachusetts (MIT) đã thông qua quyết định thu học phí căn cứ trên điểm số của sinh viên.

Theo hệ thống thang điểm được áp dụng tại Hàn Quốc, những sinh viên đạt điểm trung bình dưới 3.0 sẽ phải chi trả những mức học phí khác nhau, có thể lên đến 6 triệu won (khoảng 7.000 đôla) cho mỗi năm học.

Trước đó, Học viện KAIST không thu bất kỳ khoản học phí nào của sinh viên, vì tôn chỉ của họ là tạo mọi điều kiện để nuôi dưỡng những tài năng khoa học và công nghệ cho đất nước.

Học viện KAIST cho biết, chính sách này nhằm tạo động lực học tập rõ ràng cho sinh viên. Nhưng mặt trái của nó đã để lại hậu quả nghiêm trọng.

Chính sách học phí mới bị chỉ trích là không công bằng với những học sinh đến từ các trường trung học nghề và những trường kém danh tiếng hơn do nhóm học sinh này có xuất phát điểm thấp hơn.

Giảng viên cũng áp lực?


Hôm chủ nhật vừa qua, cảnh sát thông báo một giảng viên tên Park đã treo cổ tự vẫn trong nhà bếp của gia đình. Vợ ông là người đầu tiên phát hiện ra vụ việc.

Vụ tự tử này được cho là không liên quan gì đến bốn vụ tự tử của sinh viên. Trong thư tuyệt mệnh để lại, ông chỉ căn dặn người thân chăm sóc con cái cẩn thận mà không hề nhắc đến những sinh viên này.

Báo Korea Herald có đăng nguyên văn bức thư tuyệt mệnh của ông.

Tâm sự của vị chủ tịch bị nhiều chỉ trích


Học viện KAIST được thành lập 40 năm trước để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Kể từ khi ông Suh Nam Pyo giữ chức chủ tịch năm 2006, việc học tập tại đây được mô tả như là “một cuộc đua sống còn” mà chỉ “những cá nhân xuất sắc mới có thể tồn tại”.

Sau khi có vụ tự tử thứ tư, vào hôm thứ năm, 7/4, chủ tịch học viện Suh Nam-Pyo đã công khai xin lỗi và thú nhận sai lầm khi thực hiện những cải cách giáo dục và chính sách học phí quá khắc nghiệt.

Ông nói: “Tôi chân thành xin lỗi về những gì xảy ra ở KAIST”, và khẳng định đây là sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử thành lập học viện. Ông cho biết, nhà trường sẽ loại bỏ chính sách trừng phạt bằng học phí từ học kỳ sau.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng lời xin lỗi này là không đủ so với những hậu quả nghiêm trọng từ biện pháp thúc đẩy thành tích quá khắc nghiệt của ông Suh.

Tờ Hankyoreh cho biết, kể từ vụ sinh viên tự tử đầu tiên vào đầu tháng 1, ông Suh đã đăng một số bài viết trên trang web của trường, phân tích nguyên nhân của các vụ tự tử.

Ngày 29/1 ông có viết: “Thời nay thì có ai trong chúng ta lại không phải chịu áp lực? Nếu không bị áp lực học phí thì có thể chắc chắn rằng các em sẽ không tự tử không?”

Hai ngày trước khi vụ tự tử thứ tư xảy ra, ông cũng có gửi một thông điệp trên trang web của trường: “Là một trường danh tiếng hàng đầu trong cả nước, chúng ta đang phải đối mặt với khủng hoảng trầm trọng chưa từng từ trước đến nay do số vụ sinh viên tự tử ngày càng tăng lên. Nhưng nói gì thì nói, sẽ không bao giờ có những bữa ăn miễn phí cho bất kỳ ai. Các em hãy tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết, biết chấp nhận thất bại hôm nay để thành công ngày mai”.

Lời lẽ và lập luận của ông đã gây phẫn nộ cho dư luận tại Hàn Quốc, dấy lên làn sóng kêu gọi ông từ chức để nhận trách nhiệm. Không những thế, ông còn bị sinh viên gửi đơn kiện lên Ủy ban nhân quyền quốc gia, với cáo buộc ông đã vi phạm quyền của sinh viên.

Học viện KAIST được thành lập 40 năm trước để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Kể từ khi ông Suh Nam Pyo giữ chức chủ tịch năm 2006, việc học tập tại đây được mô tả như là “một cuộc đua sống còn” mà chỉ “những cá nhân xuất sắc mới có thể tồn tại”.

  • Lơ Nguyễn (Tổng hợp từ Korea Herald/Asia News Network)