Chúng ta đã chứng kiến những thay đổi lớn trong 10 năm qua về công nghệ, tốc độ đổi mới và tương tác xã hội trực tuyến, phần lớn được thúc đẩy bởi công nghệ di động. Từ việc sử dụng rộng rãi điện thoại thông minh cho đến bùng nổ các thiết bị được hỗ trợ bởi internet vạn vật kết nối (IoT), sự phổ biến của các ứng dụng di động, sự chấp nhận nhanh chóng các dịch vụ dựa trên đám mây và đón nhận dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, tốc độ thay đổi đã tăng theo cấp số nhân.
Và tất cả sự thay đổi đó chỉ là bề nổi khi chúng ta xem xét nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển đã được nâng lên nhờ sự ra đời và sử dụng điện thoại di động. Điện thoại thông minh đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và vui chơi.
Ảnh minh họa: Internet |
Dưới đây là những dự đoán về xu hướng công nghệ quan trọng trong năm 2020 và trong thập kỷ mới:
Dự đoán 1: Áp lực của dòng tiền đầu tư vào mạng 5G đẩy nhanh cải tiến dịch vụ trong các lĩnh vực mới
Khi mạng 5G bước vào giai đoạn tăng trưởng, các nhà mạng toàn cầu sẽ theo đuổi các khách hàng muốn ứng dụng sớm. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA), tổng đầu tư vào mạng 5G của nhà mạng tòan cầu dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD, áp lực về lợi nhuận thu được so với khoản chi phí bỏ ra (ROI: Return On Investment) sẽ thúc đẩy họ nắm lấy các cơ hội tạo ra các dịch vụ sáng tạo và nguồn thu mới.
Chúng ta đã thấy điều này diễn ra với nhiều nhà mạng, họ đang có những bước đi quan trọng, từ việc tham gia vào nội dung, truyền thông, kinh doanh và quảng cáo trực tuyến đến triển khai các dịch vụ nhắn tin tiên tiến trên điện thoại (RCS: Rich Communications Services) hoặc cung cấp IoT cho doanh nghiệp và các dịch vụ kỹ thuật số và đám mây khác. Tốc độ dịch chuyển sang các thị trường và lĩnh vực khác sẽ tiếp tục tăng khi các nhà mạng tìm kiếm lợi nhuận từ 5G khi chúng ta bước vào nửa đầu thập kỷ này.
Dự đoán 2: Các dịch vụ đám mây sẽ tiếp tục phát triển
Ngày nay, phần lớn người dùng cho rằng nội dung cá nhân lưu trữ trên thiết bị di động còn có giá trị hơn bản thân thiết bị. Do đó, việc trả một khoản phí nhỏ hàng tháng để biết rằng dữ liệu của mình được an toàn sẽ trở thành tiêu chuẩn thông thường. Apple và Google đã tận dụng điều này và cả hai đều hưởng lợi từ việc lưu trữ dữ liệu cá nhân đang mở rộng nhanh chóng với số lượng khách hàng ngày càng tăng.
Khi chúng ta bước sang thập niên 2020 và số lượng ứng dụng mà người tiêu dùng sử dụng tăng lên, bao gồm cả những ứng dụng cho âm nhạc và chơi game trên thiết bị di động, ngày càng nhiều nhà mạng sẽ nhận ra lợi ích đáng kể của việc cung cấp dịch vụ đám mây cá nhân mang thương hiệu của riêng họ.
Khả năng cải thiện trải nghiệm của khách hàng thông qua bảo mật nội dung và chia sẻ thông qua các dịch vụ hướng đến cá nhân hoặc gia đình song song với khả năng sao lưu và khôi phục chức năng qua đám mây sẽ giúp nhà mạng tăng doanh thu theo cấp số nhân.
Dự đoán 3: Khi các nhà mạng, nhãn hàng và các tổ chức viễn thông, truyền thông, công nghệ (TMT) khác tiếp tục nắm bắt các ưu tiên của khách hàng đối với truyền thông kỹ thuật số, họ sẽ tăng đầu tư và đẩy nhanh các dự án chuyển đổi số được thiết kế để tối ưu hóa hành trình và trải nghiệm của khách hàng.
Năm 2020 sẽ là một năm quan trọng đối với các tổ chức TMT khi họ tìm cách tích hợp xuyên suốt và hợp lý các công nghệ mới nổi như nhắn tin, chatbot, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa quy trình vào hành trình kỹ thuật số. Họ hiểu rằng khách hàng ngày nay đưa ra quyết định không chỉ dựa trên sản phẩm và giá cả mà còn dựa trên tương tác cá nhân của họ với các thương hiệu.
Động lực để củng cố lòng trung thành và giữ chân thương hiệu thông qua trải nghiệm khách hàng tuyệt vời sẽ ngày càng thúc đẩy các công ty ưu tiên đầu tư vào việc xây dựng các hành trình trải nghiệm của khách hàng. Trong thế giới ngày nay, lòng trung thành có thể tồn tại trong một ngày và biến mất vào ngày hôm sau. Chưa bao giờ người tiêu dùng có quá nhiều sự lựa chọn về dịch vụ, nhãn hiệu hay sản phẩm như hiện nay. Đối với họ, mọi thứ đều có thể thay thế ở nhiều khía cạnh.
Tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm khách hàng tuyệt vời sẽ cho phép khách hàng quyết định cách họ muốn sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào thay vì để cho hệ thống của nhà cung cấp đó đưa ra quyết định. Điều này sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải làm việc với các đối tác có nền tảng và khả năng phù hợp, như khả năng khai thác AI, nhắn tin… Điều này rất quan trọng để giữ chân khách hàng, thúc đẩy việc cải thiện dịch vụ và giữ được sự trung thành nhiều nhất có thể.
Dự đoán 4: Các nhà khai mạng sẽ đi theo sự dẫn dắt của các nhà mạng Mỹ và Nhật Bản, hợp tác để cạnh tranh trong thế hệ nhắn tin tiếp theo
Khi chúng ta bước vào một thập kỷ mới, tin nhắn nâng cao sẽ tiếp tục phát triển như một thị trường thương mại điện tử hoàn chỉnh. Năm 2019, các nhà mạng Nhật Bản lần đầu tiên ra mắt dịch vụ nhắn tin tiên tiến trên điện thoại (RCS) có tên Message+. Bốn mạng lớn nhất Mỹ dự kiến triển khai một dịch vụ tương tự vào năm 2020.
Đối với các nhà mạng, khả năng mang đến cho các thương hiệu và doanh nghiệp một kênh tiếp thị mới để tương tác trực tiếp với khách hàng sẽ tạo ra sự gắn kết với người dùng và nguồn doanh thu mới. Trong khi đó, các thương hiệu có quyền truy cập vào một kênh riêng, dựa trên sự cho phép để kết nối với khách hàng của họ. Người tiêu dùng tận dụng sự tiện lợi của gọi thoại, video để giao tiếp với bạn bè và thương hiệu họ yêu thích, tất cả thông qua một ứng dụng.
Dự đoán 5: Các dịch vụ IoT doanh nghiệp và công nghiệp sẽ là xu hướng chủ đạo
Các dịch vụ IoT được ứng dụng doanh nghiệp và công nghiệp sẽ chứng kiến tăng trưởng bùng nổ trong vài năm tới vì nhiều lý do. Đầu tiên, các ứng dụng mà các tổ chức áp dụng trong thập kỷ qua đã bắt đầu lạc hậu. Việc tăng tốc triển khai mạng 5G đã cung cấp tốc độ, dung lượng và các kết nối đáng tin cậy cần thiết cho các dịch vụ IoT thực sự hiệu quả.
Thứ hai, các quy định mới và những lợi ích đã được chứng minh về năng suất và hiệu quả cùng với việc tiết kiệm chi phí đáng kể từ những tổ chức ứng dụng sớm các dịch vụ IoT sẽ khiến cho các dịch vụ IoT ngày càng hấp dẫn.
Trong tương lai, công nghệ di động sẽ là trung tâm của mọi thứ, đóng vai trò then chốt khi các nhà đổi mới tìm cách cải thiện cuộc sống hàng ngày của chúng ta và giải quyết các thách thức toàn cầu.