Hôm nay, ngày 10/3/2015, Công ty Vietnam Report và Báo VietNamNet chính thức công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015.

Bảng xếp hạng FAST500 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khách quan và độc lập, khoa học và tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế hiện hành (có tham khảo các mô hình xếp hạng của Inc500, Fortune500 và Deloitte500). Thứ hạng của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng FAST500 được sắp xếp chủ yếu dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu trong giai đoạn 2010 đến 2013, có xét đến thực tế và triển vọng tăng trưởng doanh thu năm 2014 và 2015. Ngoài ra, các tiêu chí như tổng tài sản, tổng lao động, lợi nhuận sau thuế, các chỉ số sinh lời ROA, ROE, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông... cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung để đánh giá quy mô và vị thế của doanh nghiệp.

Năm 2015 là năm thứ 5 liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố kể từ năm 2011, đánh dấu một chặng đường trưởng thành của các doanh nghiệp Việt Nam. Có tên trong Bảng xếp hạng FAST500, các doanh nghiệp khẳng định sự năng động, tính sáng tạo và nỗ lực tăng trưởng của mình trước bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước nhiều biến động và hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "những ngôi sao đang lên" của nền kinh tế.

Ngoài danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, Vietnam Report cũng công bố 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015 với mục đích ghi nhận sự đóng góp tích cực của khối doanh nghiệp chiếm số đông hiện nay cho sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2015:

Danh sách 1: Bảng xếp hạng FAST500 - TOP 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam:

Thứ hạng

Tên doanh nghiệp

Tên tiếng Anh

1

CÔNG TY TNHH SAMSUNG ELECTRONICS VIỆT NAM

SAMSUNG ELECTRONICS VIETNAM CO., LTD

2

TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC - VINACOMIN - CÔNG TY TNHH MTV

VINACOMIN POWER CORPORATION - ONE MEMBER LIMITED LIABILITY COMPANY

3

CÔNG TY CP XĂNG DẦU DẦU KHÍ VŨNG ÁNG

VUNG ANG PETROLEUM JSC

4

CÔNG TY TNHH LONG SƠN

LONG SON CO., LTD

5

CÔNG TY CP NHỰA CHÂU ÂU

EUROPEAN PLASTIC JSC

6

CÔNG TY CP THÀNH LONG

THANH LONG JSC

7

CÔNG TY CP DƯỢC PHẨM ECO

ECO PHAMAR JSC

8

CÔNG TY CP ĐẠI HỮU

DAI HUU JSC

9

CÔNG TY CP KỸ THUẬT SIGMA

SIGMA ENGINEERING JSC

10

CÔNG TY CP THỨC ĂN CHĂN NUÔI VINA

VINA FOOD BREEDING JSC

Tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10 của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015: 102,18%

Danh sách 2: Bảng xếp hạng FAST500 - TOP 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Thứ hạng

Tên tiếng Việt

Tên tiếng Anh

1

CÔNG TY CP XÂY DỰNG SƠN TRANG

SON TRANG CONSTRUCTION JSC

2

CÔNG TY TNHH VẬT LIỆU MỎ ĐÁ KIỆN KHÊ

KIEN KHE QUARRY MATERIAL CO., LTD

3

CÔNG TY TNHH VẬN TẢI Ô TÔ NỘI THƯƠNG BẮC

NOI THUONG BAC TRANSPORTATION CAR CO., LTD

4

CÔNG TY CP SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI TÂM VIỆT

TAM VIET PRODUCTION AND TRADING JSC

5

CÔNG TY CP ĐẦU TƯ DỆT MAY THIÊN AN PHÁT

THIEN AN PHAT TEXTILE GARMENT INVESTMENT JSC

6

CÔNG TY CP KHOÁNG SẢN BIOTAN

BIOTAN MINERAL JSC

7

CÔNG TY CP THƯƠNG MẠI NEM

NEM TRADING JSC

8

CÔNG TY CP LILAMA 69-1 PHẢ LẠI

 LILAMA 69-1 PHA LAI JSC

9

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN XÂY DỰNG TÂN CC

NEW CC CONSTRUCTION CONSULTANTS CO.,LTD

10

CÔNG TY TNHH VIỆT PHƯƠNG HÀ NAM

VIET PHUONG HA NAM CO., LTD.

Tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10 của 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015: 82,29%

{keywords}

Giáo sư Anita Elberse, Trường Kinh doanh Harvard, trao chứng nhận hội viên Fast500

Thông tin chi tiết Bảng xếp hạng FAST500 năm 2015 được đăng tại website: www.fast500.vn

Trong quá trình xây dựng Bảng xếp hạng FAST500 năm nay, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp FAST500 từ năm 2011 đến nay về thực trạng sản xuất kinh doanh năm 2014 và tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn kế tiếp 2015 - 2018, và đã thu về hơn 300 phiếu trả lời.

Doanh nghiệp tăng trưởng FAST500: chặng đường 2010 - 2018

{keywords}

Giai đoạn 2010 - 2013: Doanh nghiệp FAST500 vẫn khó khăn nhưng đang dần ổn định

Theo thống kê từ Bảng xếp hạng FAST500 năm nay, tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2010 - 2013 đạt 31,1%, thấp hơn mức trung bình 44,7% của các doanh nghiệp FAST500 giai đoạn 2009 - 2012, cho thấy giai đoạn 2010 - 2013 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù năm 2013 đã xuất hiện những dấu hiệu khởi đầu của sự phục hồi kinh tế nhưng vẫn chưa bù đắp được sự sụt giảm kinh tế của giai đoạn 2010 - 2012 trước đó, bởi vậy tình hình kinh doanh trong giai đoạn này vẫn chưa có nhiều biến chuyển rõ rệt.

Giai đoạn 2010 - 2013 tiếp tục cho thấy khối doanh nghiệp tư nhân có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 40,1%. Tuy nhiên, khoảng cách tăng trưởng với các khối doanh nghiệp khác đang được rút ngắn đáng kể. CAGR trung bình tương ứng của khối doanh nghiệp FDI đạt 32,2% và doanh nghiệp Nhà nước đạt 27,8%.

{keywords}

Hình 1: CAGR trung bình theo loại hình doanh nghiệp của BXH FAST500 năm 2015. Nguồn: Vietnam Report

Xét về ngành nghề, CAGR trung bình của ngành thép đạt mức cao nhất 37,4%, kế đến là ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - bất động sản 36,9%, trong khi đó ngành bán lẻ có hệ số CAGR trung bình thấp nhất bảng khoảng 20%, cho thấy khoảng cách tăng trưởng ngành có xu hướng thu hẹp lại, thể hiện một sự ổn định tương đối về cơ cấu ngành nghề trong giai đoạn 2010 - 2013.

{keywords}

Hình 2: Top 3 ngành có CAGR trung bình cao nhất trong Bảng xếp hạng FAST500 năm 2015. Nguồn: Vietnam Report

Những con số trên đây đã phác họa bức tranh kinh doanh giai đoạn 2010 - 2013 với gam màu xám chủ đạo, nhưng cơ cấu hợp lý hơn, là cơ sở để tin tưởng rằng sự sụt giảm kinh tế không thể xuống sâu hơn nữa, do đó năm 2014 và 2015 là thời điểm thích hợp cho các kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp.

Năm 2014 - 2015: Các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp về cơ bản có xu hướng "cải thiện"

Cuộc khảo sát doanh nghiệp vừa qua cho thấy, đa phần các đại diện doanh nghiệp FAST500 đánh giá, lượng đơn đặt hàng, doanh thu, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, lợi nhuận sau thuế và dòng tiền trong năm 2014 đều có xu hướng tốt hơn so với năm trước đó với lần lượt 82,2%, 79,5%, 78,9%, 78,7% và 77,6% lựa chọn phương án "tăng lên". Đây là những dấu hiệu khả quan cho thấy bức tranh kinh doanh đang chuyển độ sang gam màu tươi sáng hơn.

{keywords}

Hình 3: 5 yếu tố thay đổi nhiều nhất trong năm 2014. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 3/2015

Dẫn đầu trong số các chỉ tiêu hoạt động, lượng đơn hàng gia tăng phần lớn nhờ vào việc triển khai có hiệu quả kế hoạch mở rộng thị trường của doanh nghiệp trong 4 năm trở lại đây. Hơn ½ số doanh nghiệp lựa chọn "mở rộng thị trường hiện có" (52,6%) và "tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực" (51,3%) là 2 yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2014, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay.

{keywords}

Hình 4: Các yếu tố đóng góp vào sự tăng trưởng của Doanh nghiệp trong 4 năm gần đây (2011 - 2014). Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 3/2015

Tiết lộ kế hoạch hoạt động trong năm 2015, 75,7% đại diện tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh nhằm tăng doanh thu và sự hiện diện của doanh nghiệp trên thương trường, 19,2% giữ nguyên kế hoạch hoạt động như năm 2014, ngược lại chỉ 5,1% số doanh nghiệp lựa chọn phương án "giảm quy mô kinh doanh" do vẫn còn chút e ngại về cơ hội tăng trưởng trong năm 2015.

{keywords}

Hình 5: Kế hoạch dự kiến của doanh nghiệp trong năm 2015. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 3/2015

Đây là tín hiệu vui cho thấy các doanh nghiệp đã thoát khỏi "nỗi ám ảnh suy thoái" và sẵn sàng cho một giai đoạn tăng trưởng mới.

Giai đoạn 2015 - 2018: Doanh nghiệp kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với thử thách cạnh tranh gay gắt hơn

Viễn cảnh khả quan là động lực giúp các doanh nghiệp tin tưởng hơn vào chiến lược tăng trưởng trong trung và dài hạn. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, tăng năng suất, cải thiện chất lượng đội ngũ quản lý và phát triển các dòng sản phẩm/ dịch vụ mới là Top 3 chiến lược tăng trưởng đã và đang được doanh nghiệp tập trung hướng tới trong 4 năm qua (2011-2014), cũng là định hướng chính trong 4 năm tới (2015-2018) (với lần lượt 51,3%, 48,7% và 38,5% lựa chọn phương án "Cả 4 năm qua và 4 năm tới" khi được hỏi "Đâu là chiến lược tăng trưởng chủ đạo của doanh nghiệp trong 4 năm qua? Và đâu là định hướng trong 4 năm tới?"). Trong khi hoạt động M&A vốn diễn ra rất "sôi động" trong những năm gần đây với kỳ vọng sẽ mang đến sức sống mới cho doanh nghiệp Việt lại đang có xu hướng "nguội dần", khi có tới 76,9% doanh nghiệp không lựa chọn đây là chiến lược chủ đạo trong 4 năm qua, cũng như là định hướng cho 4 năm kế tiếp.

{keywords}

Hình 6: Chiến lược tăng trưởng chủ đạo của doanh nghiệp trong 4 năm qua (2011-2014) và định hướng trong 4 năm tới (2015 - 2018). Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 3/2015

Nhận định về những thách thức trước mắt, 60,3% doanh nghiệp cho rằng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành là yếu tố đáng ngại nhất cho tăng trưởng. Do đó, nhu cầu về thông tin minh bạch hiện nay là vô cùng cần thiết, bởi chỉ với thông tin chính xác, các nhà hoạch định chiến lược mới có thể đưa ra một kế hoạch tăng trưởng trung và dài hạn khả thi, phù hợp với năng lực doanh nghiệp cũng như xu thế thị trường chung, đồng thời giảm thiểu những sai lệch trong công tác dự báo.

{keywords}

Hình 7: Thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trong 4 năm tới (2015 - 2018). Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 3/2015

Khuyến nghị chính sách từ cộng đồng doanh nghiệp FAST500: Nên duy trì mức lãi suất thấp

Tìm hiểu về kỳ vọng của doanh nghiệp, 78,2% doanh nghiệp cho rằng "duy trì mức lãi suất thấp" nên là giải pháp ưu tiên trong giai đoạn 4 năm tới, tạo điều kiện vay vốn thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhằm điều tiết hợp lý và kịp thời các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng khi thực thi kế hoạch mở rộng thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận. Đây cũng chính là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (76,9% lựa chọn), hỗ trợ cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiều hơn (60,3%), hay hỗ trợ nhiều hơn cho các hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực (46,2%).

{keywords}

Hình 8: Để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp tăng trưởng trong giai đoạn 4 năm tới, Chính phủ và các cơ quan có liên quan nên ưu tiên áp dụng giải pháp nào?. Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 3/2015

Có thể thấy, niềm tin tăng trưởng của các doanh nghiệp FAST500 nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang dần ấm lên. Cùng với sự lạc quan đó, Ban tổ chức FAST500 hi vọng, Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam những năm tiếp theo sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những tên tuổi triển vọng, những hình mẫu tiêu biểu cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, qua đó góp phần đưa thương hiệu FAST500 trở thành biểu tượng đẳng cấp quốc gia và quốc tế.

Buổi lễ công bố và tôn vinh 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22/4/2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.

Vietnam Report