Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh - Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), mỗi cá nhân có độ tuổi và các yếu tố nguy cơ khác nhau. Khi đi tầm soát ung thư, bạn có thể thực hiện các chẩn đoán hình ảnh phù hợp với từng người.

Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khi đi khám sàng lọc ung thư:

Thứ nhất, chụp X-quang  

Theo bác sĩ Cảnh, chụp X-quang được đưa vào tầm soát ung. Nhưng hạn chế của X-quang là lượng thông tin không nhiều, do kết quả là sự chồng hình của cơ thể vào một mặt phẳng, tổn thương có thể bị che lấp. 

Hiện nay, X-quang được sử dụng trong tầm soát ung thư vú hay còn gọi chụp nhũ ảnh. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh định kỳ hàng năm.

Thứ hai, siêu âm

Siêu âm được đánh giá là năng động nhất trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh vì nhiều ưu điểm như nhỏ gọn, dễ áp dụng, chi phí rẻ và ghi hình theo thời gian thực. Bác sĩ Cảnh giải thích, hạn chế của siêu âm là sự cản âm khi qua môi trường xương (vôi) và khí, do đó khảo sát các tổn thương trong phổi hay liên quan đến u xương, chấn thương gãy vỡ sẽ khó ghi nhận được hết thông tin.

Các bác sĩ nội soi cho bệnh nhân tại Bệnh viện K. Ảnh: BSCC. 

Đây vẫn là hình thức tầm soát đầu tiên cho các bệnh lý về tuyến giáp, tuyến vú (kết hợp nhũ ảnh) và không thể thiếu siêu âm vùng bụng - chậu trong khám sức khỏe và sàng lọc sớm ung thư.

Siêu âm bụng - chậu được xem là rà soát rất hữu dụng khi bác sĩ có thể dễ dàng thấy được các bệnh lý sỏi tiết niệu, sỏi mật, gan mạn, u gan, u thận, u tử cung buồng trứng (nữ) và tiền liệt tuyến (nam) sau mỗi lượt quét khoảng 15 - 30 phút, có khi ngắn hơn, tùy thể trạng bệnh nhân béo hay gầy.

Thứ ba, chụp CT - cắt lớp vi tính

Kỹ thuật chụp CT liều thấp trên phổi đã được thực hiện rộng rãi cho các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao về ung thư phổi (từ 55 tới 74 tuổi đã hoặc đang hút thuốc trên 15 năm). Tuy nhiên, bác sĩ Cảnh cho biết bạn không nên lạm dụng CT trong tầm soát ung thư vì nguy cơ "ăn" tia rất lớn.

Thứ tư, MRI - cộng hưởng từ

Vì không dùng tia X nên đây là kỹ thuật gần như vô hại. Với độ phân giải mô tốt nên cộng hưởng từ khảo sát các cơ quan như não, khớp, vú, hệ mật, vùng chậu rất tốt, ngày càng được dùng rộng rãi hơn trong chẩn đoán. Tuy nhiên, phương pháp này chờ đợi lâu và tốn kém hơn các kỹ thuật khác. 

Thứ năm, nội soi tiêu hóa

Theo bác sĩ Cảnh, nội soi vẫn là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tiêu hóa, đặc biệt ung thư đường tiêu hóa bao gồm khoang miệng, thực quản, dạ dày, vòm họng, ruột non, đại trực tràng và hậu môn. 

Nội soi là vũ khí quan trọng và hiệu quả nhất trong chẩn đoán sớm và điều trị bệnh lý ác tính đường tiêu hóa, phát hiện sớm ung thư khi khối u còn nhỏ, chưa xâm lấn, giúp việc điều trị đạt kết quả tốt nhất, giảm nguy cơ tử vong.

Đặc biệt khi phát hiện tổn thương ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thủ thuật cắt bỏ qua nội soi mà không cần phẫu thuật.

Thứ sáu, nội soi tai - mũi - họng 

Đây là phương pháp bạn có thể sàng lọc khối u vùng đầu cổ. Nội soi tai, mũi, họng là phương pháp sử dụng một ống nội soi chuyên dụng có gắn đèn và camera siêu nhỏ ở đầu để đưa vào sâu bên trong các ngóc ngách của vùng tai, mũi, họng.

Hình ảnh nội soi bên trong sẽ được phóng to và hiển thị trên màn hình tivi giúp các bác sĩ chuyên khoa nhìn trực tiếp, nhận biết vị trí và mức độ tổn thương. Qua đó, bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra bệnh như u hay viêm và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.