Chiều 7/7, tại lễ Công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết chanh leo không phải là cây trồng bản địa, loại cây này du nhập vào nước ta cách đây không lâu. Song, quá trình trồng và phát triển cho thấy, chanh leo rất hợp khí hậu và thổ nhưỡng.

Như chanh leo tím, được trồng đầu tiên ở Lâm Đồng. Đến nay, có 46 địa phương trồng và phát triển loại cây ăn quả này, trong đó 79% diện tích tập trung ở Tây Nguyên.

Hiện chanh leo tím một năm cho thu hoạch 3 vụ. Tổng diện tích trồng trên cả nước mới là 6.000ha, sản lượng 110.000 tấn. Theo quy hoạch giai đoạn 2025-2030, diện tích chanh leo trên cả nước dự kiến ổn định ở mức 12.000-15.000 ha, sản lượng 300.000-500.000 tấn.

Chanh leo là loại quả giúp người nông dân ở nước tăng thu nhập (ảnh: Tùng Linh)

Loại quả này được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như nước ép cô đặc, đông lạnh, sấy dẻo... nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Về vấn đề xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Hiếu cho hay, từ năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật đã khởi động quá trình đàm phán để mở cửa thị trường 1,5 tỷ dân này. 

Trong gần 6 năm qua, hai bên đã phối hợp tích cực để xúc tiến quá trình phân tích nguy cơ dịch hại và trao đổi thông tin đi đến thống nhất về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo nhập khẩu vào Trung Quốc. Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã có văn bản đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam từ đầu tháng 7/2022. 

Như vậy, chanh leo là quả tươi thứ mười của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, cùng với các loại quả thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, các địa phương cần kiểm soát tốt hơn các vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, dư lượng các chất bảo vệ thực vật, dịch hại... trên cây chanh cũng như quả chanh. Bởi, với thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường xuất khẩu nói chung, không phải cứ mở cửa là có thể vào được mãi mãi. Mở cửa mà không làm tốt thì họ lại đóng ngay.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), chanh leo nằm trong top 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. Năm năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo của Việt Nam tăng hơn 300%. Xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, Peru, Ecuador.

Năm nay, sản lượng chanh leo ước tính đạt 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk. Cây trồng này được các địa phương đánh giá là cho hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận mỗi ha chanh leo lên tới 350-400 triệu đồng.

Chanh leo ngọt như mật, giá đắt gấp 3, góp tiền mua chung cả tạ

Loại chanh leo vỏ vàng, “mật chanh” có vị ngọt, ăn trực tiếp không cần bỏ thêm đường đang gây sốt trên thị trường, có giá đắt gấp 2-3 lần chanh leo chua vẫn được chị em rủ nhau mua chung cả tạ về ăn vì hương vị mới lạ.