Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Bình thường, các tế bào tuyến vú được sinh ra và mất đi theo một chu trình đã được lập từ trước. Cơ chế này giúp số lượng tế bào tuyến vú được sinh ra với số lượng vừa đủ, cân bằng giữa số lượng tế bào sinh ra và tế bào chết đi. 

Khi có các đột biến gen xảy ra, hội tụ đủ các điều kiện đặc biệt để vượt qua được hệ thống kiểm soát miễn dịch của cơ thể, tế bào tuyến vú sẽ được sinh ra liên tục, mất kiểm soát và tạo thành các khối u bao gồm rất nhiều tế bào không bình thường. 

Đó là các khối u ác tính tại vú, hay còn gọi là ung thư vú. Những tế bào này có khả năng xâm lấn vào mạch máu, mạch bạch huyết xung quanh và di chuyển đến những vùng xa vị trí khối u ban đầu, tạo ra các khối di căn.

Dưới đây là những nhóm người dễ mắc căn bệnh này:

Tuổi: Ung thư vú có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở phụ nữ trên 45 tuổi. Tuy nhiên, xu hướng ngày càng nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh này. Đặc biệt, những phụ nữ không sinh con; sinh con đầu lòng sau tuổi 30, không cho con bú có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn hẳn.

Người mắc bệnh lý tuyến vú như viêm xơ, áp se vú... nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư.

Yếu tố di truyền: Trong gia đình nếu có bà, mẹ hay chị gái mắc ung thư vú, tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn. Những phụ nữ này thậm chí có đến 80% nguy cơ mắc bệnh (nếu mang gen đột biến).

Tiền sử bị ung thư như buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao.

Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone Estrogen và Progesterone. 

Béo phì là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh (do sản sinh ra nhiều Estrogen hơn so với phụ nữ khác). Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư khác như buồng trứng, đại trực tràng, gan…

Lối sống và sinh hoạt không khoa học: Chế độ ăn uống nhiều calo, cơ thể lười vận động sẽ làm lượng mỡ thừa trong cơ thể tăng cao dẫn đến béo phì và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Ngoài ra, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, căng thẳng kéo dài cũng dễ dẫn đến ung thư vú.

Phơi nhiễm phóng xạ: Tuy lượng phơi nhiễm từ tia X là rất thấp, nhưng nữ giới cũng cần hạn chế tiếp xúc với môi trường phóng xạ để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Trên đây là những nhóm phụ nữ dễ mắc bệnh và các yếu tố nguy cơ cao dễ dẫn tới tổn thương bệnh lý ung thư. Vì vậy nếu bạn trong độ tuổi nguy cơ và thuộc các nhóm đối tượng trên nên đi khám định kì 6 tháng/lần tại các cơ sở chuyên khoa Ung bướu, để có thể phát hiện các thương tổn sớm. Phát hiện càng sớm, từ đó có thể can thiệp, điều trị sớm giúp tỷ lệ khỏi bệnh càng cao.

Các triệu chứng, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú, bao gồm:

Đau: Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, hoặc đau ở một bên vú, hoặc đau kéo dài.

Thay đổi ở da vú và núm vú: Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở lên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.

Chảy dịch-máu ở đầu vú: Đầu vú tự nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.

Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định có thể đau hoặc không đau.

Bác sĩ Hà Hải Nam (Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu Hoá 1, Bệnh viện K)

Người phụ nữ 43 tuổi 2 lần nhận kết quả ung thưNăm 39 tuổi, nữ bệnh nhân nhận kết quả ung thư vú. Ở tuổi 43, khám sức khỏe định kỳ, chị tiếp tục được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng.