- Nếu 6 tàu Vinalines tiếp tục khai thác sẽ tạo ra thua lỗ lớn.
Xung quanh việc Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) đề xuất bán lỗ 6 tàu cũ, Bộ GTVT đã yêu cầu Vinalines rà soát, tính toán kỹ lưỡng các phương án, giữ lại để khai thác hay là bán cắt lỗ.
Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, thẩm quyền thanh lý tàu thuộc Hội đồng thành viên Vinalines quyết định. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, Vinalines phải báo cáo Bộ GTVT và Tài chính giám sát quá trình thực hiện.
Đầu tư đội tàu thiếu chiến lược
Ông Minh cho biết, đội tàu này được đầu tư trong giai đoạn vận tải biển ở thời kỳ hoàng kim nên giá tàu cao, giá cước cao kinh doanh vẫn có lời.
Tuy nhiên, qua một thời gian quản lý khai thác đầu tư, thị trường vận tải biển xuống quá thấp. Tàu hàng khô ở thời điểm đỉnh cao lên tới 12.000 điểm nhưng sau đó giá cước vận tải biển “tụt dốc” thảm hại và chạm đáy chỉ còn 300 - 400 điểm.
"Vào thời kỳ hoàng kim, giá cước thuê định hạn tàu lên tới 60.000 USD/ngày; trừ chi phí có thể lời đến 30.000 - 40.000 USD/ngày nên Vinalines đầu tư rất mạnh.
Thế nhưng khi thị trường suy thoái, chỉ ngày hôm sau tụt xuống còn 6.000-7.000 USD/ngày, trong khi chi phí vẫn như cũ đã dẫn đến thua lỗ", ông Minh dẫn chứng.
Hơn nữa, theo ông Minh, trước đây ngành hàng hải tập trung rất nhiều vào tàu hàng khô vì rẻ, chi phí đầu tư thấp, khả năng hoàn vốn nhanh nên các tổ chức tín dụng rất dễ chấp nhận cho vay.
Nhưng khi thị trường khủng hoảng, những tàu thanh lý này đều là tàu hàng khô và chịu thiệt hại nặng, giá cước tàu vận tải sụt giảm nhanh nhất. Trong khi đó, tàu container và tàu hàng lỏng cũng giảm nhưng không nhiều.
Điều đó cho thấy, trong quá trình đầu tư, cơ cấu đội tàu của Vianlines đã bị chạy theo thị trường, thiếu nghiên cứu chiến lược.
Bán tàu là xử lý nợ xấu cho ngân hàng
Theo ông Minh, 6 tàu Vinalines đề xuất bán lỗ, nhưng nếu tính toán tiếp tục khai thác sẽ tạo ra thua lỗ lớn hơn. Dựa vào dự báo thị trường hiện nay, duy trì thêm 3 năm nữa thì sẽ lỗ rất lớn.
Nếu bán tại thời điểm này sẽ đưa ra một khoản lỗ chênh lệch giữa mua và bán tàu, số tiền bán được sẽ dùng trả cho ngân hàng để giảm áp lực nợ. Phần nợ còn lại sẽ phải đàm phán với các tổ chức tín dụng chia sẻ rủi ro, thiệt hại thì lợi hơn là để tàu tiếp tục khai thác.
Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo của Vinalines cho rằng, nếu tiếp tục để 6 tàu cũ này lại khai thác thì sẽ còn tiếp tục lỗ nặng nên quan điểm của Tổng công ty vẫn phải quyết tâm bán.
“Các công ty vận tải biển chịu lỗ bao nhiêu năm rồi nên nếu không bán tiếp tục để lại khai thác sẽ chết. Do vậy phải bán để cắt lỗ cho DN, đồng thời làm việc với ngân hàng để xóa lỗ, giảm nợ, giảm chi phí lãi vay”, đại diện Vinalines nói. Đồng thời, việc bán 6 tàu cũ sẽ giảm thiệt hại cho Nhà nước và cho cả các tổ chức tín dụng cho vay mua tàu.
Mức giá bán 6 tàu cũ sẽ được báo cáo công khai. Hơn nữa, tàu là tài sản thế chấp vay ngân hàng. Do vậy khi bán phải có sự đồng thuận, thuyết phục được phía ngân hàng bán tàu là giải pháp khả thi nhất.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo: Trong quá trình triển khai phải phân tích, so sánh chi tiết để lựa chọn phương án khả thi nhất. Quá trình triển khai việc thanh lý, nhượng bán tài sản phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản, vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Tàu mua 341,5 tỷ, dự kiến bán 34,9 tỷ 6 con tàu Vianalines dự kiến bán lỗ có tổng trọng tải gần 250.000 DWT. Trong số này 2 con tàu Vinalines Global và Vinalines Trader có trọng tải mỗi chiếc lên tới 70.000 DWT. Đây đều là tàu chở hàng khô và được xếp vào loại tàu già khi tuổi đời đã lên đến 20 năm. Trong danh sách này có Vinalines Ruby được Vinashin đóng vào năm 2012. Ngoài 2 tàu trên, Vinalines Fortuna trọng tải 26.369 DWT được chi nhánh TP.HCM mua năm 2009 với giá gần 20,7 triệu USD (tương đương thời giá lúc đó là 341,5 tỉ đồng), năm 2014 được định giá gần 95 tỉ đồng. Thế nhưng, giá trị dự kiến vào ngày 31/12/2015 chỉ còn chưa đầy 50 tỉ, theo chứng thư thẩm định của công ty định giá độc lập.
Trong khi đó, doanh nghiệp trực tiếp quản lý tàu là Công ty vận tải biển Vinalines dự kiến số tiền thu được nếu bán Fortuna trong quý 1/2016 chỉ ở mức 34,9 tỉ đồng. Tàu Vinalines Star trọng tải trên 26.000 DWT có mức giá dự kiến 34,4 tỉ đồng trong khi giá mua năm 2009 là giá 22,9 triệu USD (378 tỉ đồng). Tàu Vinalines Ocean mua năm 2009 với giá 376 tỉ đồng, nay được chào bán hơn 34 tỉ. |
Vũ Điệp