Đây cũng được mệnh danh là "thiên đường" mua sắm Tết tại Hà Nội.

Chợ hoa hàng Lược

Địa chỉ: Hàng Lược, Hoàn Kiếm

{keywords}
Chợ hoa Hàng Lược luôn tấp nập khách đến mua hàng mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ảnh: Hữu Nghị

Chợ hoa Hàng Lược là phiên chợ hoa duy nhất mở một lần trong năm bắt đầu từ 23 tháng Chạp để người dân sắm sửa cho lễ tiễn ông Công, ông Táo và kết thúc vào chiều 30 Tết. Đây là phiên chợ hoa lâu đời và đặc trưng của Hà Nội mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Hoa ở đây được bày bán khá phong phú, đa dạng với đủ mọi chủng loại từ: hoa đào, mai, cúc, hoa hồng, thược dược… đến các loại hoa lụa, cây cảnh bonsai và hoa nhập ngoại.

Giá hoa ở đây cao hơn một số phiên chợ đầu mối ở Hà Nội song đều là hoa đẹp, độc đã được người bán chọn lọc. Trung bình, một cành đào ở đây dao động từ 100-500 nghìn đồng/ cành, cây cảnh từ 200- tiền triệu/ cây tùy loại.

{keywords}
Ngoài bán hoa, chợ Hoa Hàng Lược còn bày bán khá nhiều đồ phong thủy. Ảnh: Hữu Nghị

Ngày nay, chợ hoa Hàng Lược không chỉ bán hoa mà còn buôn bán nhiều mặt hàng trang trí Tết như: câu đối, đèn lồng, đồ cúng lễ, đồ phong thủy… và đặc biệt là đồ cổ, giả cổ cũng được bày bán ở đây. Thong dong dạo chợ, du khách còn có thể tận hưởng không khí Tết mang nét đặc trưng riêng biệt ở giữa chốn phồn hoa đô thị mà không nơi nào có được.

Hàng Mã

Địa chỉ: Hoàn Kiếm, Hà Nội

Được biết đến là một trong những tuyến phố bày bán hàng mã lớn nhất nhì của Hà Nội, những ngày cuối năm, phố Hàng Mã luôn tấp nập người mua, kẻ bán.

{keywords}
Phố Hàng Mã tràn ngập những đồ trang trí Tết

Năm nay, rất nhiều đèn lồng, bao lì xì, câu đối đỏ, hình cá chép, hoa nhựa, đồ trang trí đặc biệt các món đồ liên quan đến con lợn – con vật biểu tượng của năm 2019 Kỷ Hợi… cũng được bày bán để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.

Trong đó, các phong bao lì xì có giá từ 10-30 nghìn đồng/ 10 chiếc, đèn lồng từ 50.000-200 nghìn đồng/ chiếc, các đồ trang trí từ 20 nghìn đồng- vài trăm ngàn đồng/ chiếc.

Chợ cây cảnh Hoàng Hoa Thám

Địa chỉ: Phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội

{keywords}
Khác với những khu chợ khác ở Hà Nội, phố Hoàng Hoa Thám chuyên về các loại cây cảnh, bonsai, cây phong thủy và các chậu hoa để bày. Ảnh: VTV

Chỉ dài hơn 3km, nhưng phố Hoàng Hoa Thám là nơi tập trung của hàng trăm cửa hàng cây cảnh lớn nhỏ. Đây cũng được mệnh danh là phố cây cảnh lớn nhất ở Hà Nội. Chợ hoa ở đây họp quanh năm nhưng đông vui, nhộn nhịp nhất là những vào những ngày cuối năm. Chợ hoa Hoàng Hoa Thám bắt đầu từ đoạn dốc Bưởi, kéo dài đến gần ngã ba Văn Cao.

Khác với những khu chợ khác ở Hà Nội, phố Hoàng Hoa Thám chuyên về các loại cây cảnh, bonsai, cây phong thủy và các chậu hoa để bày như: sen đá, lưỡi hồ, phú quý, ngọc bích, kim ngân.... Đặc biệt, hoa lan là loài hoa được bày nhiều nhất, xuất hiện ở hầu khắp các cửa hàng tại đây với đủ mọi chủng loại, mẫu mã từ vài triệu cho đến vài chục triệu/ chậu.

{keywords}
Một cửa hàng bán chim cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Toàn Vũ

Tại chợ cây Hoàng Hoa Thám cũng có rất nhiều cửa hàng chim cảnh, cá cảnh và các loại thú cưng khác như: chó, mèo... được bày bán.

Phố đào quất Lạc Long Quân

Địa chỉ: Đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội

Cứ đến dịp cuối năm, phố Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) lại trở thành nơi buôn bán đào quất tấp nập, đông đúc bậc nhất Hà Nội.

{keywords}
Hoa đào đủ mọi dáng thế được bày bán dọc hai bên đường Lạc Long Quân (Hà Nội). Ảnh: Trần Thanh

Đây là chợ đào lớn nhất Hà Nội, dài khoảng 2 km, giáp ranh với đất đào Nhật Tân nổi tiếng. Các tiểu thương tập trung bày bán từ vườn hoa Lạc Long Quân đến ngã ba đoạn giao với đường Âu Cơ.

Đào, quất ở đây rất đa dạng với đủ mọi chủng loại, kích thước từ: đào đỏ, đào phai, đào trắng… đến các loại đào rừng, quất cảnh. Đặc biệt, đào, quất cảnh được tạo các dáng thế khác nhau từ dáng bonsai, mini đến các gốc cây “khủng” với giá lên tới cả trăm triệu.

{keywords}
Các loại đào mini với giá từ 500-3 triệu đồng/ chậu.

Phố nội thất Đê La Thành

Địa chỉ: Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

{keywords}
Phố nội thất Đê La Thành Hà Nội. Ảnh minh họa

Phố Đê La Thành (hay còn gọi là La Thành ) là con phố được đặt theo tên của một thành cổ Hà Nội. Phố dài khoảng 5km, từ lâu đã nổi tiếng với việc sản xuất và kinh doanh đồ gỗ. Đến đây bạn có thể tìm cho mình bất cứ một đồ nội thất nào từ đơn giản đến kiểu cách cầu kỳ như: bàn học, ghế ngồi, bàn trang điểm hay giường tầng, bàn ghế, tủ đựng quần áo cao cấp…

Ngoài ra, tại đây có khá nhiều cửa hàng bày bán các đồ tổng hợp như đồ cơ khí (mũi khoan, ốc vít, đinh), đồ mộc (bản lề, chốt, bánh xe…), đồ xây dựng... và vô số các vật dụng liên quan đến kim khí khác.

Chợ hoa Quảng Bá

Địa chỉ: Âu Cơ, Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội

Với người Hà Nội, chợ hoa Quảng Bá – chợ đầu mối hoa tươi lớn nhất Hà Nội trên đê Nghi Tàm (Tây Hồ) đã thành điểm đến quen thuộc mỗi khi Tết đến xuân về.

Bình thường, chợ hoa đêm Quảng Bá thường họp lúc rạng sáng, tuy nhiên vào dịp giáp Tết Nguyên đán, chợ hoa Quảng Bá lại tấp nập hơn bình thường và họp xuyên đêm.

{keywords}
Chợ hoa Quảng Bá là một trong những chợ hoa lớn nhất ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Hoa ở chợ Quảng Bá được đánh giá là đẹp và tươi hơn các chợ hoa khác trong thành phố. Hoa ở chợ Quảng Bá được chuyển về từ khắp các vùng lân cận như Tây Tựu, Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Yên. Thậm chí có cả hoa được chuyển về từ Đà Lạt, Lào Cai…

Năm nay, giá hoa không có nhiều biến động so với mọi năm. Các loại hoa truyền thống như: hoa ly, cúc, hồng, thược dược... được ưu chuộng và thu hút người mua hơn cả. 

(Theo Dân trí)