Nhận định trên được ông Kailash Narayanan, Chủ tịch bộ phận Truyền thông Thương mại của  Keysight Technologies chia sẻ trong phần "Tương lai của kết nối" tại sự kiện Keysight World 2021. 

{keywords}
Ông Kailash Narayanan, Chủ tịch bộ phận Truyền thông Thương mại của Keysight Technologies

Ba xu hướng quan trọng

Theo vị chuyên gia này, 18 tháng qua cho thấy rõ rằng kết nối nhanh, đáng tin cậy đã trở thành “mạch máu” trong cuộc sống của chúng ta, là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Kỳ vọng của khách hàng cũng trở nên vô cùng rõ ràng và khẩn thiết.

Ba xu hướng quan trọng chi phối hiện tại và tương lai ngành viễn thông bao gồm hiện đại hóa mạng, các phương án sử dụng và mô hình kinh doanh mới cùng sự phát triển lên 6G.

Kết quả của quá trình hiện đại hóa là hầu hết các mạng mới đều được định nghĩa bằng phần mềm. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng doanh nghiệp về kết nối, băng thông và độ trễ, mạng cần có quy mô lớn với chi phí thấp. Giải pháp cho bài toán này là ảo hóa và quản lý tự động.

Tiếp theo, các phương án sử dụng và mô hình kinh doanh mới là lộ trình dẫn đến những luồng doanh thu mới. Hàng năm, dịch vụ vô tuyến di động cho khách hàng tiêu dùng đã mang lại cho các nhà mạng hơn 70% doanh thu. Những cơ hội mới trong các lĩnh vực ngành nghề và các ứng dụng công nghiệp sẽ tạo ra tăng trưởng mới.

Cùng với đó, trong khi 5G đang tiếp tục được triển khai, nghiên cứu về 6G đã được bắt đầu. Các hoạt động này nhằm mục tiêu mang đến những thay đổi mang tính cách mạng và tiến hóa cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn về kết nối phổ quát.

Tương lai kết nối vào các năm 2026, 2031

Bàn về viễn cảnh tương lai với 2 mốc 2026 và 2031, ông Kailash Narayanan cho hay, năm 2026 kỳ vọng với kết nối tiếp tục thay đổi khi số lượng người dùng, thiết bị và trường hợp sử dụng đòi hỏi chất lượng dịch vụ (QoS) ngày càng cao. 

Đó là những kỳ vọng về kết nối đáng tin cậy, rộng khắp và liền mạch. Và tới năm 2026, công nghệ 5G sẽ đưa kết nối này tới cho khoảng 60% dân số toàn cầu. Ericsson kỳ vọng số lượng thuê bao 5G cùng kỳ sẽ đạt hơn 3 tỷ, và theo một số dự báo, vào thời điểm đó, mạng 5G sẽ truyền tải hơn 50% tổng lưu lượng dữ liệu di động. Ngoài ra, công nghệ 5G còn mang lại cơ hội tạo ra những thị trường hoàn toàn mới có khả năng sinh lời cao.

{keywords}

Đến năm 2031, các mạng 6G đầu tiên sẽ tăng tốc: Tạo ra sự hội tụ của thế giới vật lý, thế giới số và con người, thông qua các ứng dụng, điện toán và thông tin liên lạc. Cấp độ tương tác mới này còn được gọi là Internet of Everything - Internet của mọi thứ.

Một đặc điểm chính trong tương lai 2031 này sẽ là sự cùng tồn tại và tích hợp liền mạch của các công nghệ truy cập vô tuyến khác nhau, tiên tiến hơn rất nhiều so với các công nghệ hiện nay. Các phương án sử dụng mới cho 6G cũng thúc đẩy nhu cầu về tốc độ dữ liệu cao hơn. Nhu cầu về tốc độ cao này có thể được đáp ứng nhờ sử dụng phổ tần trên 100 GHz với băng thông nhiều gigahertz, đồng thời tận dụng tốt hơn các băng tần dưới 100 GHz. Vai trò của hiệu suất sử dụng phổ tần, hiệu suất sử dụng năng lượng và thiết kế dạng sóng sẽ trở nên quan trọng.

Quản lý mạng bằng công nghệ AI mang lại tính linh hoạt và khả năng xử lý định thời để có thể tạo ra các phương án sử dụng mới. Độ trễ thấp của 5G được tăng cường nhờ năng lực dự đoán thời gian, theo đó có thể dự báo chính xác thời gian tới đích của dữ liệu. Độ trễ thấp của 5G đòi hỏi năng lực đồng bộ thời gian và kiểm soát định tuyến đặc biệt.

“Khi tương tác của con người, máy móc và thế giới được kết nối thay đổi mạnh mẽ, công nghệ phải được thiết kế ngay từ đầu với các tính năng đảm bảo sự tin tưởng, an ninh bảo mật. Hậu quả do các vụ tấn công và vi phạm hiện đã rất nghiêm trọng Vì vậy, 6G cần tân tiến hơn trong  phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa, đồng thời tăng cường khả năng ngăn chặn các mối đe dọa và năng lực chống chịu của tổ chức”, chuyên gia Keysight nhận định.

Dẫn dắt với tư duy mở

Trở lại hiện tại, ông Kailash Narayanan phân tích, con đường đi tới năm 2026 và 2031 bắt đầu với thay đổi cơ bản đang diễn ra: Sự ra đời của mạng truy cập vô tuyến mở hay là mạng open RAN. Cách tiếp cận này chuẩn hóa các giao diện trong một kiến trúc RAN phân tán để tạo điều kiện triển khai mạng linh hoạt, cũng như tạo ra cách tiếp cận chung để ảo hóa RAN. Open RAN đã chuyển đổi thành ý tưởng về bộ điều khiển RAN thông minh RIC, bước khởi đầu hướng tới hợp nhất mạng RAN và mạng lõi.

Mặc dù cách tiếp cận mở này có thể giúp các nhà khai thác di động giảm chi phí và mở rộng cơ sở hạ tầng một cách linh hoạt, nhưng nó lại gây ra những khó khăn thách thức về khả năng tương tác giữa các phần tử mạng của các nhà cung cấp khác nhau. 

Một thách thức khác là các giao diện mở cũng làm gia tăng bề mặt có thể bị tấn công. Vì vậy, các biện pháp bảo mật mạng cũng cần phải được tăng cường. Các doanh nghiệp hàng đầu thị trường đang cùng hợp tác để giải quyết những thách thức này thông qua liên minh O-RAN Alliance mà Keysight là thành viên.

Tạo thuận lợi cho thay đổi

Đề cập đến sự thay đổi trong các tổ chức, chuyên gia Keysight cho rằng, việc này có thể thực hiện theo 2 trường phái song song: Đưa ra các phương án sử dụng mới và quản lý rủi ro thiết yếu.

Đầu tiên, cách tư duy rõ ràng sẽ giúp hình thành nhanh các phương án sử dụng mới. Tiếp theo, các công nghệ mới cần được phát triển và  xác nhận hợp chuẩn nhanh chóng và tin cậy để quản lý rủi ro trong kinh doanh. Vì vậy, bất kể doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào, việc tạo ra các liên minh mới dựa trên các mục tiêu chung luôn là chìa khóa thành công.

“Nhìn qua lăng kính các công nghệ định hình kết nối tương lai, con đường phía trước chứa đầy khó khăn thách thức. Vai trò của các công ty như Keysight là giúp các tổ chức, doanh nghiệp tăng tốc đổi mới sáng tạo, từ đó đẩy nhanh hành trình hướng tới kết nối đáng tin cậy, những năng lực mới và những trải nghiệm người dùng đặc biệt. Chúng tôi muốn được hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp để cùng nhau khai phá con đường này”, ông Kailash Narayanan nói.

Thanh Hà