Giải thưởng Sách Quốc gia được tổ chức và trao giải hàng năm, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quản lý, Hội Xuất bản Việt Nam, Cục Xuất bản, In và Phát hành là cơ quan trực tiếp thực hiện.

Giải thưởng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các đơn vị xuất bản. Nhà xuất bản Văn học vừa công bố 7 tác phẩm tham gia dự giải. 

8ef0f8aba23f07615e2e.jpg
Tác phẩm "Những người muôn năm 'chưa' cũ (60 chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam một thời)".

Những người muôn năm “chưa” cũ (60 chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam một thời) của Trần Thị Trường là tập hợp 60 gương mặt của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam mà tác giả có dịp gặp gỡ, trò chuyện và thưởng thức các tác phẩm của họ.

Đọc 60 chân dung văn học này, độc giả sẽ biết được rõ về hơn về nghệ sĩ (sống, làm việc, yêu thương, thành công hay thất bại), đồng thời hình dung được môi trường sống của văn nghệ sĩ trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.

60 chân dung trong cuốn sách, có người đã rời cõi tạm, có người tác giả vẫn gặp gỡ hằng ngày. Bà viết những gì biết về họ, cả những điều riêng tư nhất.

5905725c28c88d96d4d9.jpg
Tác phẩm "Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp".

Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp của tác giả Nguyễn Sĩ Đại gồm 8 phần, là các bài tiểu luận, phê bình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính. Tác giả đi sâu, phân tích về thi pháp, sự trong trẻo, bình dị, tính cách khẳng khái và sự độc đáo trong thơ Nguyễn Bính.

4975db10818424da7d95.jpg
Tác phẩm "Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông".

Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông (tác giả Nguyễn Khuê), giới thiệu với độc giả đầy đủ hơn một thi tài lỗi lạc gần như bị bỏ quên. Tác giả đã có công sưu tầm nhiều tài liệu quý về tiểu sử cùng thi văn của Tương An.

Người viết xây dựng lại một cách rõ ràng thân thế Tương An, phân tích tinh tế tâm trạng thi nhân, đi tìm những nguyên nhân sâu xa, cắt nghĩa tâm trạng ấy. 

5eea29b17325d67b8f34.jpg
Tổng tập Nhà văn Quân đội.

Tổng tập Nhà văn Quân đội là bộ sách đồ sộ khoảng 3.000 trang với 5 tập, bao gồm kỷ yếu và tác phẩm của 366 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, dịch giả tiêu biểu trong đội ngũ nhà văn chiến sĩ của cả nước.

Tác phẩm văn học được viết ra bởi người lính được tuyển lựa trong bộ sách góp phần nâng cánh cho tâm hồn những người cầm súng trong chiến tranh, gieo vào họ tình yêu quê hương đất nước, tinh thần nhân đạo và sự chính nghĩa, củng cố nghị lực sống, chiến đấu vì ngày mai tươi sáng. Những tác phẩm văn học được tuyển chọn ấy cũng đã góp phần tôn vinh phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ.

4aad9ff6c562603c3973.jpg
Tác phẩm "Tiếng gọi của dân cày".

Tiếng gọi của dân cày của tác giả Khachik Dashtents (Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Ngọc Hùng, Lê Đức Mẫn, Trần Bích Thư dịch) là cuốn sách miêu tả thảm kịch của người Armenia miền Tây trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tác phẩm phản ánh những quan điểm lịch sử và nghệ thuật nhất định của nhà văn tài ba người Armenia. 

3e1e2c4476d0d38e8ac1.jpg
Tác phẩm "Chảo lửa bất tử (Hồi ký chiến trường)".

Chảo lửa bất tử (Hồi ký chiến trường) của giả Võ Quang Tiến là câu chuyện về những tháng năm chiến đấu và hy sinh anh dũng của những người lính Cụ Hồ trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Tác giả Võ Quang Tiến - một trong số những người còn được trở về từ “chảo lửa” khốc liệt ấy - đã cầm bút ghi lại thời khắc không bao giờ quên trong cuộc đời ông và đồng đội.

Viết về thời chiến, có ca ngợi, có niềm vui nhưng hơn hết, cuốn sách là câu chuyện thật được viết bởi một người lính, chứa nỗi đau và nỗi nhớ của một người bước ra từ ngọn lửa đạn bom.

a75ab200e8944dca1485.jpg
Tác phẩm "Sách Tết".

Sách Tết - Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày tết Giáp Thìn 2024 của Hồ Anh Thái gồm 5 phần: Khúc dạo đầu của mùa xuân, Văn, Thơ, Nhạc, và Họa. Qua 5 phần nội dung, bạn đọc sẽ lần lượt đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau đầy thú vị.

Người đọc sẽ gặp lại những cái tên đã trở nên quen thuộc trong giới văn chương: Nguyễn Thị Thu Huệ, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh... cả những người mới hơn nhưng ít nhiều ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc như Huỳnh Trọng Khang, Hiền Trang...