Nhân mục "Người nổi tiếng đọc gì?", nhạc sĩ Đức Huy đã dành công sức chia sẻ với VietNamNet về những cuốn sách anh tâm đắc với hy vọng độc giả sẽ hứng thú tìm đọc, lan tỏa những điều hay cho một tác phong sống tích cực. Chúng tôi xin được đăng nguyên văn chia sẻ của vị nhạc sĩ 72 tuổi.

Tôi bắt đầu đọc sách nhiều khi theo học môn văn chương Anh tại đại học Văn khoa Sài Gòn đầu thập niên 70. Những cuốn sách đã gây ảnh hưởng đầu đời với tôi nhiều là The Arrangement (Trở lại thiên đường) của Elia Kazan, The Art of Happiness (Nghệ thuật tạo hạnh phúc) của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

{keywords}
Nhạc sĩ Đức Huy kết nối với thế giới bằng sách.

Đối với tôi, sách là một trong những tặng phẩm quý báu nhất của cuộc đời; nhờ sách mà trí óc của chúng ta được khai hoang, nhờ sách mà chúng ta được làm quen và làm bạn với những vĩ nhân của thế giới, nhờ sách mà chúng ta có thể đi đến được những nơi xa xăm mà không cần phương tiện gì cả.

{keywords}
 

Bây giờ, mỗi ngày, tôi đều bỏ ra ít nhất một tiếng đồng hồ để đọc sách, thường vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ. Một cuốn sách hay đối với tôi cũng là do duyên mà có, từ duyên này đưa đến duyên kia. Và nếu chúng ta hướng ý nghĩ về một điều nhất định gì đó, tôi tin rằng tần số của tư tưởng được tập trung lại sẽ dẫn mình đến những duyên mới đầy thú vị.

Tôi không có thói quen đọc sách theo tần số là phải bao nhiêu cuốn một tuần. Thích gì thì đi tìm đọc. Tôi bây giờ rất ít giờ để đọc tiểu thuyết hay những truyện gián điệp, lịch sử như lúc còn trẻ. Hơn mười mấy năm nay, tôi chú tâm nhiều về sách rèn luyện tâm hồn, hoàn thiện bản thân.

3 năm trước tôi tình cờ khám phá ra Ông Sadhguru (nhạc sĩ viết Hoa chữ “ông” để tỏ lòng tôn trọng các tác giả, học giả - PV) trên Youtube, nghe ông nói và đọc cuốn Inner Engineering đã hướng tôi đến Ông Eckhart Tolle với cuốn sách mang tựa đề The Power of Now cũng như A New Earth đã dẫn tôi đi đến một vùng trời đầy bình an. Nội dung của 3 cuốn sách vừa kể, đại để hướng dẫn chúng ta trên hành trình đi tìm chính mình và mục đích sống, sống một cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống không vướng mắc những khái niệm vô minh, thoát khỏi những khổ tâm phiền não của cuộc đời.

{keywords}
 
{keywords}
 

Sau đó, cái duyên đưa tôi đến với Ông Jon Kabat Zinn, tác giả Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây do Nguyễn Duy Thiện dịch. Đây là một cuốn sách cũ đã có người đọc qua mà tôi mua được ở Đường Sách Sài Gòn hai năm trước, để biết được rằng tác giả này đã từng theo học một khoá tu của Thầy Thích Nhất Hạnh – người có nhiều sách tôi gối đầu giường nhất (Hạnh phúc cầm tay, là cuốn tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần rồi). Cảm tạ Thầy!

{keywords}
 

Qua 70, tôi nhận ra rằng không dễ gì để có một cuộc sống đơn giản nhưng hạnh phúc. Chỉ cần có chánh niệm, tất cả bắt đầu chỉ với một hơi thở có ý thức là chúng ta có thể có mặt với sự sống mầu nhiệm chung quanh ta, cũng như sự sống mầu nhiệm trong ta ngay khi đang đọc và nhận biết những giòng chữ này đang muốn nói gì. Thật hạnh phúc khi biết rằng tôi đang hít thở, tôi đang còn sống đây, điều này chẳng phải là điều tuyệt vời nhất lúc này hay sao? Cho dù rằng tôi có một vài vấn đề chưa giải quyết được theo ý mình muốn nhưng so với những diễn biến đáng lo sợ của Covid-19 thì đáng gì phải không nào?

Là người Việt, tôi yêu tiếng nước tôi, nói và đọc. Với tôi, không có vấn đề so sánh văn chương Việt và ngoại quốc. Tất cả chúng ta, theo tôi, đều là con của Mẹ Trái Đất; tuy văn hoá, phong tục hay tôn giáo khác nhau nhưng cũng đều là tinh hoa của hành tinh này. Do duyên mà chúng ta gặp hay không gặp nhau thôi.

Nếu nhìn sâu, tôi tin rằng chúng ta đều có thể đến gần và ngồi lại với nhau, tìm hiểu và quan tâm đến sự an bình của nhau, an ủi, giúp đỡ nhau - nhất là trong hoàn cảnh hiện tại; thay vì cứ khăng khăng giữ những ý niệm về cái tôi tập thể giới hạn bởi ranh giới, chủng tộc, tiếng nói, tôn giáo và tập tục... và so sánh văn chương nước tôi với văn chương thế giới, hay cứ cho rằng nước này hơn hay kém nước kia. Mỗi quốc gia đều có những cái mà không đâu khác có được. Và tôi rất tự hào là người Việt Nam.

Những tựa đề sách tôi vừa kể là những cuốn sách quý đối với tôi, xin trân trọng và vui mừng được chia sẽ với tất cả các bạn và các anh chị.

Tôi cũng xin đề nghị vì sức khoẻ, và cũng để làm gương tốt cho gia đình có trẻ nhỏ, hãy tránh xa màn hình điện thoại, máy bảng, TV vì có bức xạ hại mắt và não. Xin hãy đọc sách in bằng giấy. Dễ sử dụng, không tốn hay phải sạc pin, không cần mạng và dễ đọc đi đọc lại.

Xin chúc tất cả vui sống và luôn tìm thấy cuộc sống này mầu nhiệm, đáng yêu trong từng khoảnh khắc.

Nhạc sĩ Đức Huy

Bất ngờ với những đầu sách mà diễn viên Bảo Thanh thích đọc

Bất ngờ với những đầu sách mà diễn viên Bảo Thanh thích đọc

Bảo Thanh là diễn viên rất đắt show sự kiện, gần như cô có rất ít thời gian dành cho bản thân nhưng ít ai ngờ rằng, rảnh là nữ diễn viên đọc sách.