Chiều 28/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Vẫn nằm trong hạn mức phê duyệt

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Quốc hội quyết định tổng dự toán vay của các địa phương năm 2022 là hơn 28.636 tỷ đồng; trong đó, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 18.482 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/8/2022, có 15 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại, 1 địa phương đề nghị trả nợ trước hạn. Điều này dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội phê duyệt.

Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng. Ảnh: Phạm Thắng

Cụ thể, 8 địa phương gồm: Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Nam Định, Trà Vinh đề nghị tăng dự toán vay lại, với tổng số đề xuất tăng hơn 234,8 tỷ đồng.

7 địa phương có: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa đề nghị giảm dự toán vay lại, với tổng số tiền đề nghị giảm là hơn 1.547 tỷ đồng. Riêng Bắc Kạn đề nghị trả nợ vay lại trước hạn hơn 33,6 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Tài chính, tổng mức vay và mức bội chi của ngân sách địa phương vẫn nằm trong hạn mức đã được Quốc Hội phê duyệt, không địa phương nào vượt hạn mức dư nợ cho phép theo Luật Ngân sách nhà nước. Cụ thể, dự toán vay của các địa phương là gần 27.324 tỷ đồng (giảm gần 1.313 tỷ đồng), bội chi ngân sách địa phương là hơn 23.851 tỷ đồng (giảm hơn 1.330 tỷ đồng).

Vì vậy, Chính phủ đề nghị chấp thuận đề xuất tăng dự toán vay (tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ) năm 2022 của 8 địa phương và giao các địa phương này cam kết giải ngân toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán để tránh lãng phí.

Chính phủ cũng đề nghị chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022. Với Bắc Kạn, Chính phủ đề xuất tăng dự toán chi trả nợ gốc để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn.

Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Ủy ban này cho rằng nội dung Chính phủ trình về điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 là thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nên Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh không làm vượt mức bội chi NSNN và bội chi ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định, trong quá trình điều hành ngân sách, việc giảm bội chi NSNN là tích cực. Bên cạnh đó, một số trường hợp cụ thể, việc điều chỉnh là cần thiết để kịp thời giải ngân.

Do đó, có thể áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 52 của luật Ngân sách Nhà nước, theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội sau.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Phạm Thắng

Riêng đối với trường hợp của tỉnh Bắc Kạn, đa số ý kiến Ủy ban cho rằng, kiến kiến nghị của địa phương là theo công văn của tỉnh từ ngày 15/4, đến nay mới điều chỉnh sẽ khó khả thi; bên cạnh đó, việc điều chỉnh cần trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh theo khoản 2 Điều 52 của luật Ngân sách Nhà nước để địa phương sử dụng nguồn vốn linh hoạt, hiệu quả.

Từ những ý kiến này, Ủy ban kiến nghị thực hiện theo đúng thẩm quyền, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán NSNN theo đúng quy định của luật Ngân sách Nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá kỹ và chịu trách nhiệm về việc giải ngân khi đề nghị điều chỉnh.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình nội dung này ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường tới đây.

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết phân bổ hơn 7.497 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hơn 2.497 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 2.000 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 3.000 tỷ đồng.