Trình bày báo cáo về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội 5 nội dung đưa ra tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.
5 nội dung đưa ra tại kỳ họp bất thường
Cụ thể, tại kỳ họp bất thường tới đây, Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022).
Một nội dung nữa cũng đưa ra tại kỳ họp bất thường là Quốc hội cho ý kiến về 3 dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Ông Cường cũng thông tin thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đề xuất của Chính phủ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm BOT chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
Với 3 dự án luật, hiện Chính phủ chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023 nên Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung, bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại phiên họp tháng 11 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường.
Họp ngay sau nghỉ Tết dương lịch
Về thời gian tổ chức kỳ họp bất thường, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất 2 phương án. Cụ thể, phương án 1, trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12/2022 thì tổ chức họp sau Tết Nguyên Đán (trong tháng 2/2023) và theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Phương án 2, trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12/2022 và đủ điều kiện trình thì tổ chức họp trước Tết Nguyên Đán (đầu tháng 1/2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp Tết khó khăn, có thể họp trực tuyến cả kỳ.
Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, họp vào tháng 1 sẽ rất gấp, sát Tết cổ truyền nên ông đề nghị chọn phương án 1, họp sau Tết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kỳ họp bất thường chỉ kéo dài khoảng 3-4 ngày và không nên tổ chức sau Tết Nguyên đán vì sẽ quá trễ, ảnh hưởng đến kỳ họp giữa năm 2023. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phấn đấu họp vào đầu tháng 1, ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, kỳ họp bất thường nên tập trung vào 3 nội dung lớn là: Quy hoạch tổng thể quốc gia; dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30. Bởi, đây là nội dung cấp bách và quan trọng nhất.
Tuy nhiên, ông Tùng bày tỏ thấy “rất lo” vì hiện chưa có văn bản chính thức của Chính phủ trình ra nên ông đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị nội dung để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, các giải pháp cấp bách quy định tại khoản 3, Nghị quyết 30 được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022. Vì vậy, nếu tổ chức kỳ họp bất thường muộn sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của các biện pháp này. Do đó, việc tổ chức kỳ họp bất thường “càng sớm, càng tốt”, và nên diễn ra trong 10 ngày đầu của tháng 1.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, tổ chức kỳ họp bất thường trong tuần đầu của tháng 1/2023, sau nghỉ Tết Dương Lịch.