Bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi), trú thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa là một điển hình cho việc nông dân vươn lên thoát nghèo. Bà Mơ sống một mình trong căn nhà cấp 4 của thôn Lương Thiện.

Năm 1987, chồng mất, một mình bà Mơ nuôi 11 người con (10 người con đẻ và 1 người con nuôi). Hiện 2 người con của bà đã mất, những người còn lại đều đã có cuộc sống ổn định.

{keywords}
Căn nhà của bà Mơ

Người con nào cũng có cuộc sống riêng. Dù mong muốn mẹ ở cùng để phụng dưỡng nhưng bà từ chối. Bà cho rằng, bản thân còn tự lo cho mình được thì không phải phiền hà đến các con.

Bởi vậy, người phụ nữ này vẫn đang tự lo cho mình bằng việc trồng, hái rau mang ra ngoài chợ bán, lấy tiền chi tiêu sinh hoạt. Ngoài ra, hằng ngày bà vẫn chịu khó chăm sóc đàn gà, cây vườn.

‘Một ngày tôi đi chợ bán được 30.000 đến 50.000 đồng tiền rau. Trung bình một tháng cũng thu nhập được khoảng 1 triệu. Một năm tôi cũng dư ra được 6 - 7 triệu’, bà Mơ chia sẻ với báo chí.

Bà Mơ nằm trong diện hộ nghèo khá lâu, nay xin thoát nghèo bởi thấy không còn nghèo nữa.

Theo lý giải của bà, hiện bà có căn nhà cấp 4 rộng khoảng 20m2, còn trồng được lúa, cấy mấy sào rau, nuôi được gà mang ra chợ bán thì không thể nghèo được.

Nếu là hộ nghèo sẽ được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, với tâm niệm có làm có ăn, không ỷ lại người khác nên người phụ nữ này đã quyết định đạp xe lên Ủy ban xã xin ra khỏi hộ nghèo.

Hiện tai, bà vẫn ở một mình, làm hai sào ruộng, trồng rau đi bán. Các con khuyên mẹ nghỉ ngơi để giữ sức khỏe, nhưng bà không đồng ý.

“Bản thân mình đang giúp được cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, không cớ gì lại ghi danh hộ nghèo, như thế là gánh nặng cho chính quyền, cho Đảng và Nhà nước", bà nói.

Nhờ lao động hàng ngày, chi tiêu hợp lý, bà cũng thường xuyên có tiền tích cóp để cho hàng xóm, những người khó khăn vay khi cần.

{keywords}
Bà là điển hình cho nông dân quyết tâm xin thoát nghèo ở Thanh Hóa

Ví dụ có trường hợp hộ gia đình gần nhà có người bị tai nạn lao động, khó khăn bà đã sẵn lòng cho vay tiền. Khi trả nợ, hộ gia đình trên bảo trả lãi nhưng bà Mơ không lấy.

Ông Lương Xuân Thiêm – Chủ tịch UBND xã Lương Sơn xác nhận, Sự việc bà Mơ xin thoát nghèo là thật. Bà đã đạp xe lên UBND xã đề nghị được ra khỏi danh sách hộ nghèo, hành động của bà được nhiều người hoan nghênh.

Vị chủ tịch xã cho biết, ông đánh giá cao tinh thần của một công dân có trách nhiệm như bà Mơ.

Trước đó, cũng ở tỉnh này, nhiều hộ dân ở huyện Quan Sơn cũng khiến dư luận cảm phục khi mặc dù còn đó những khó khăn, nhưng tự nguyện xin thoát nghèo. Đặc biệt có 120 lá đơn được các hộ dân viết bằng tay thể hiện quyết tâm làm ăn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo đó, 120 hộ viết đơn xin thoát nghèo không phải vì kinh tế đã khá lên, mà họ mong muốn tự thân vượt lên khó khăn bằng sự quyết tâm, với nhiều cách làm, tăng gia sản xuất, chủ động phát triển kinh tế gia đình.

Từ năm 2016 - 2019, chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chương trình xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương trình tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của chính quyền và chính bản thân người nghèo. Nhiều tổ chức đoàn thể đã giúp đỡ hội viên xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Toàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm được hơn 47 nghìn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,08%, đạt 50,8% kế hoạch, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh của cả nước.

Ngoài ra, tỉnh này cũng có huyện Như Xuân thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 11 xã bãi ngang, 14 xã và 16 thôn, bản miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, sáu xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài: Lê Vũ Phong - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV