Bỏ phố về quê làm… ruộng
Vốn là cử nhân ngành công nghệ thông tin (ĐH Giao thông vận tải TPHCM), ra trường không muốn ở lại phố thị ồn ào, náo nhiệt, anh Đinh Văn Thuận (SN 1984, trú tại xóm Nam, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã quyết định "bỏ phố về quê" khởi nghiệp.
Ai cũng nói anh Thuận "khùng" khi con đường trước mặt đang hanh thông, có nghề đúng chuyên ngành được học, thu nhập ổn định, công việc nhàn hạ lại bất ngờ rẽ cuộc đời, về làm nông nghiệp. Người thân thì lo cho anh khi nông dân ở quê bỏ ruộng hết rồi, giờ Thuận lại đi vào con đường này, nhìn trước mắt "chỉ có thất bại".
Nhưng chàng trai 8X có cách nghĩ, cách làm khác người dân quê mình. Anh làm nông nghiệp với hướng đi mới. Thuận thuê lại hết diện đất bỏ hoang ở quê, sau đó trồng toàn đinh lăng với mô hình hiện đại, chủ động về cây giống, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra cho sản phẩm.
Nhờ cây đinh lăng, mỗi năm anh Thuận có thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chưa bằng lòng, chàng kỹ sư công nghệ thông tin tiếp tục thử nghiệm thêm nhiều mô hình nông nghiệp khác như nuôi cá thịt, cá cảnh… Mô hình nào anh cũng thành công.
Nhiều năm liền anh Thuận được vinh danh là thanh niên phát triển kinh tế giỏi, nhận nhiều bằng khen ở trung ương và địa phương. Cụ thể, năm 2018 anh Thuận đạt giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng tôn vinh nhà nông trẻ xuất sắc; năm 2020 đạt danh hiệu Tài năng trẻ và Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác…
Nuôi chim yến "liều ăn nhiều"
Những ngày gần đây, nhiệt độ các tỉnh phía Bắc giảm sâu, tiết trời buốt giá khiến anh Thuận bận rộn hơn vì lúc nào cũng phải dành thời gian quan tâm, chăm sóc kỹ hơn cho nhà nuôi yến với số lượng hàng nghìn con của gia đình.
Gần 3 năm nay, anh Thuận nổi tiếng không chỉ ở Nam Định mà cả khu vực miền Bắc bởi thành công với mô hình nuôi chim yến ở xứ lạnh. Anh tâm sự: "Chim yến sinh sống và phát triển ở các tỉnh từ Nam Trung bộ của nước ta trở vào. Nuôi yến ở phía Bắc những năm trước tưởng như xa vời, nhưng 3 năm qua, tôi đã làm được điều này".
Ông chủ trẻ chia sẻ thêm, nuôi yến ở xứ lạnh mới phát triển mạnh trong 4 năm trở lại đây. Khí hậu miền Bắc rất khắc nghiệt, đặc biệt vào mùa đông nên các khâu từ xây dựng phần cứng (nhà yến) đến kỹ thuật vận hành chăm sóc chim yến theo mùa cũng rất mất nhiều công sức và kinh nghiệm.
"Lúc đầu, khi có ý tưởng nuôi loài chim nhả ra "vàng trắng" này, mình cũng đi thăm quan một số mô hình ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng… Nhận thấy vị trí địa lý nơi mình ở cũng khá thích hợp với loài chim này nên tôi quyết định đầu tư nghiên cứu và xây nhà nuôi yến", anh Thuận nhớ lại.
Không ngờ, chỉ sau thời gian ngắn, xây xong nhà nuôi và dẫn dụ thành công, nhà yến của anh Thuận đã gặt hái được kết quả tốt đẹp. Nhà nuôi yến của anh là nhà yến hoạt động đầu tiên của tỉnh Nam Định, chim đến ở nhanh, đột biến về số lượng nên nhanh có sản lượng. Với 3 tầng nhà nuôi (100 m2/tầng) hiện mỗi tháng anh thu hái được 3kg - 4kg tổ. Giá bình quân mỗi kg tổ yến hiện nay từ 20 - 25 triệu đồng.
Anh Thuận tiết lộ: "Chim yến là loại chim chỉ ăn côn trùng bay ngoài môi trường và chọn những nơi có điều kiện thích hợp để ở và sinh sản. Trước kia chim yến chỉ chọn những hang động có các yếu tố như an toàn, nhiệt độ, độ ẩm, độ sáng thích hợp để trú ngụ và sinh sản. Khoa học công nghệ phát triển, con người biết cách xây dựng một môi trường giống hệt với tự nhiên để dụ chim đến ở và sinh sản đem lại lợi ích kinh tế rất cao".
Chàng trai 8X dự đoán, trong tương lai gần ngành yến xứ lạnh (miền Bắc) sẽ phát triển rất nhanh vì chim cũng đã và đang dần thích nghi với khí hậu. Với kỹ thuật và kinh nghiệm của mình, đến nay anh Thuận đã giúp đỡ thành công cho rất nhiều bà con nông dân trong và ngoài tỉnh về kỹ thuật dẫn dụ chim yến đạt năng suất cao. Hiện nay anh cũng là người thu mua, bao tiêu đầu ra cho người dân nuôi yến để phát triển kinh tế.
(Theo Dân Trí)
Chàng trai Tiền Giang nuôi cá 'khủng' hốt bạc tỉ mỗi năm
Anh Phan Minh Luận (35 tuổi, xã Long Định, H.Châu Thành, Tiền Giang) có thu nhập mỗi năm từ 2 - 3 tỉ đồng nhờ nhập các loại cá lớn của sông Mekong, sông Amazon về nuôi thương phẩm, ươm giống để bán.