{keywords}
Lê Thị Thái Uyên.

Đứng bên người "có H" từ thuở bé

“Lúc tôi được 6-7 tuổi, huyện Nhà Bè và Quận 7 (TP.HCM) có nhiều “gái nhảy tàu” (những cô gái bán dâm cho thủy thủ tàu viễn dương khi tàu cập cảng). Mẹ hay đạp xe chở tôi từ Quận 4 xuống đó để hỗ trợ các chị ấy…”, chị Lê Thị Thái Uyên (32 tuổi) bắt đầu câu chuyện về công việc hỗ trợ người có HIV (gọi tắt là "có H") bằng những ký ức từ thuở bé.

Chị Thái Uyên kể, hồi ấy, chị không biết sợ mà chỉ thấy vui bởi chị chưa hiểu về công việc của mẹ. Mãi sau này, lớn lên, chị tìm hiểu mới biết thêm về công việc của mẹ.

“Mẹ tôi là đồng đẳng viên ở Quận 4. Lúc tôi còn bé, mẹ vừa làm đồng đẳng vừa đi hỗ trợ cho các chị em mại dâm, chị em "có H". Những lúc như vậy, mẹ thường để tôi lên yên sau xe đạp, chở tôi đi theo”, chị kể.

Các hoạt động đậm tính nhân văn của bà đã có những tác động nhất định đến Thái Uyên để rồi sau này, chị quyết định tiếp nối hành trình của mẹ. Năm 22 tuổi, Thái Uyên trở thành đồng đẳng viên tại Quận 4. Từ đó trở đi, mọi vui buồn của chị đều gắn liền với những người có HIV.

{keywords}
Thái Uyên đến khoa Nhiễm, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để lấy ý kiến khảo sát về vấn đề kỳ thị với người "có H" để tìm hướng hỗ trợ tại các cơ sở y tế.

Nhiệm vụ của Uyên là hỗ trợ cho các đối tượng có thể có HIV biết cách dự phòng lây nhiễm. Thời gian đầu, cô gái trẻ lân la tiếp cận, gặp gỡ những người phụ nữ hoạt động bán dâm ngoài đường để tư vấn, chia sẻ thông tin, phát vật phẩm y tế hữu ích cho họ.

Thái Uyên kể: “Khó khăn nhất vẫn là tiếp cận những người đang hoạt động tại các tụ điểm dành cho giới trẻ như quán cà phê, quán bia, massage… Bởi các tụ điểm này thường có quản lý. Để có thể tiếp cận, tôi phải vào quán nhiều lần”.

“Lắm lúc, lân la, ra vào nhiều ngày ở quán, tôi bị những người ở đây hiểu lầm là đi giành khách của các cô gái bán dâm. Tôi bị họ nhìn với những ánh mắt không thiện cảm. Hơn thế, việc thuyết phục các đối tượng này sử dụng biện pháp bảo vệ, an toàn rất khó. Có người, tôi thuyết phục mãi vẫn không nghe”, chị kể thêm.

Thế nhưng, chị không chịu sợ hãi để rút lui mà cố gắng đeo bám, tìm cơ hội chuyện trò với những người có nguy cơ có HIV. Kinh nghiệm của Uyên là trò chuyện, chia sẻ, tạo lòng tin với người đứng đầu rồi từ từ tác động họ thực hiện các biện pháp an toàn, điều trị nếu bị nhiễm.

{keywords}
Một người có HIV được Thái Uyên hỗ trợ.

Chị nói: “Chỉ cần tạo được lòng tin với người “thủ lĩnh” của nhóm đối tượng, người này sẽ tự động truyền tải thông điệp của mình đến các thành viên trong nhóm. Cách này thường nhanh và hiệu quả hơn việc thuyết phục từ từ từng đối tượng”.

Khi biết chị đồng hành cùng người có HIV, không ít người có cái nhìn kỳ thị. Bởi họ cho rằng, chỉ có người nhiễm mới “đủ gan” để làm công việc này. Tuy nhiên, chị không buồn thậm chí cảm thấy hạnh phúc vì có thể mở được cánh cửa khác cho người có HIV.

Điểm tựa của trẻ em "có H"

“Làm việc này, tôi luôn nhận được cảm giác người ta tìm đến mình vì không còn lựa chọn nào khác, không còn đường nào để đi nữa. Mình sẽ là người mở được cánh cửa khác cho họ. Điều này khiến tôi rất vui, hạnh phúc”, chị nói và kể về hoàn cảnh bi đát của một người mẹ trẻ "có H" ở Khánh Hòa.

Người phụ nữ ấy làm việc trong một tụ điểm mại dâm rồi yêu, có 3 con với bạn trai. Khi xét nghiệm, chị phát hiện mình có HIV và lây cho cả 3 con. Tuyệt vọng, chị lấy dao lam rạch tay để tự sát cùng các con.

{keywords}
Thái Uyên trong thời gian thực hiện cuộc khảo sát cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV.

Tuy nhiên, khi được Thái Uyên tư vấn, cho biết nếu tuân thủ phác đồ điều trị, chị và các con đều có thể sống tốt, sống khỏe, người này đã thay đổi. Chị kiên cường và chọn cách sống lành mạnh, vui vẻ cùng các con.

Trường hợp khác, bạn nam tên Q. 20 tuổi cũng quyết định từ bỏ cái chết để làm lại cuộc đời sau khi được Thái Uyên tư vấn. Nam thanh niên có HIV từ cô bạn gái mới sống thử được 3 tháng.

Ngày phát hiện có HIV, Q. bị gia đình, người thân xa lánh, kỳ thị. Gia đình Q. không ăn chung, uống chung, không quan tâm đến Q. Họ bỏ mặc anh muốn làm gì thì làm vì nghĩ rằng anh chẳng sống được thêm bao lâu.

“Lúc ấy, em hụt hẫng, đau đớn lắm và muốn từ bỏ cuộc sống. Thế rồi em tìm đến, chia sẻ với tôi. Tôi khuyên, tâm sự với em rất nhiều để em chấp nhận điều trị. Đến bây giờ, tải lượng của em dưới ngưỡng phát hiện. Em sống khỏe, gia đình rất vui, không kỳ thị nữa”, chị kể thêm.

{keywords}
Hàng tuần, chị đều đến bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 để chia sẻ, trò chuyện, hỗ trợ các bệnh nhi có HIV.

Sau này, Thái Uyên đồng hành cùng trẻ em 'có H' tại các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 TP.HCM. Vào thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, chị có mặt tại các bệnh viện này để trò chuyện, sinh hoạt cùng bệnh nhi.

Thái Uyên rất đau lòng mỗi khi tiếp xúc với các bệnh nhi này. Thế nên, chị luôn tìm kiếm những điều tốt nhất cho các bé. Chị chia sẻ về mặt tinh thần, ngược xuôi lo xe đưa các bé từ nhà đến bệnh viện điều trị, ôm hồ sơ đi xin tiền viện phí cho các bé bệnh nặng… Miễn là có thể hỗ trợ cho các bé, khó khăn đến mấy, chị đều cố gắng vượt lên.

Thái Uyên nói rằng, tiếp cận với trẻ, chị hiểu hoàn cảnh và càng thương các em hơn. Trường hợp hai đứa con của người mẹ trẻ tên K. chị đã hỗ trợ khiến chị nhớ mãi. K. có 3 con nhưng khi xét nghiệm chỉ có 2 con sau "có H".

Biết tin, chồng K. nổi giận, đánh đập K. và hai đứa con vô tội của mình. Người này không đồng ý đi xét nghiệm đồng thời cấm vợ và 2 con điều trị. Không chịu nổi cảnh ấy, người mẹ dắt con trốn về quê. Biết tin, Thái Uyên tìm cách hỗ trợ công việc cho K., giúp cô và các bé điều trị thành công.

{keywords}
Bé trai trong ảnh bỏ điều trị, Thái Uyên và các đồng nghiệp của mình phải đến gia đình để tìm hướng hỗ trợ, để bé tiếp tục dùng thuốc.

Dẫu vậy, đó không phải là những khó khăn Thái Uyên lo ngại. Điều chị quan tâm hơn cả là làm sao luôn để các trẻ bước vào tuổi dậy thì tuân thủ việc điều trị. Bởi ở tuổi này, tâm sinh lý thay đổi, các em dễ tổn thương, dễ nổi loạn… Trẻ có thể bỏ điều trị và lây nhiễm cho người khác.

Những lúc như vậy, Thái Uyên phải trở thành người chị, người bạn luôn được các em tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ, mở lòng. “Để có thể hiểu và chia sẻ, khuyên nhủ các em ở tuổi này, ngoài việc hiểu tâm lý, tôi phải tìm được động lực sống của các em. Ví dụ các em thương ai nhất, tin tưởng ai nhất… để rồi phân tích, khuyên các em nhìn vào đó mà cố gắng thay đổi, cố gắng điều trị…”, chị chia sẻ thêm.

Gương sáng phụ nữ

Sau hơn 10 năm dành thời gian, sức lực hỗ trợ người 'có H', Lê Thị Thái Uyên được đề cử Giải thưởng Nguyễn Thị Định năm 2019 và là điển hình thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020.

Thái Uyên cũng là một trong những Gương sáng phụ nữ năm 2018.

Bài: Nguyễn Sơn

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người phụ nữ có HIV ‘rũ bùn đứng dậy’ thành bà chủ cơ nghiệp tiền tỷ

Người phụ nữ có HIV ‘rũ bùn đứng dậy’ thành bà chủ cơ nghiệp tiền tỷ

Cuộc đời yên ả của chị bỗng dưng gặp “sóng” lớn khi lần lượt phải đối mặt với 2 nỗi bất hạnh: 2 mẹ con dương tính với HIV và người chồng cờ bạc mang về món nợ 16 tỷ đồng.