1. Mua sắm thực phẩm sai trật tự
Hầu hết mọi người thường có xu hướng mua nhiều thực phẩm như bánh, kẹo, đồ ăn vặt... khi thấy chiếc xe đẩy, giỏ hàng của mình còn vơi.
Thế nên thay vì ghé hàng bánh đầu tiên, sao bạn không tới khu vực trái cây, rau và bắt đầu làm đầy giỏ hàng mình với chúng?
Trái cây, rau củ sẽ chiếm nhiều không gian ở trong giỏ hàng, vì thế sẽ không còn nhiều chỗ trống để bạn tiện tay nhặt ít thực phẩm không thật tốt cho sức khỏe.
2. Đi siêu thị mà không có một danh sách những thứ cần mua
Hãy lên kế hoạch cho các bữa ăn trước khi đi, kể cả thời gian dài là một tuần. Bạn chắc chắn sẽ không mua thừa những món ăn vặt đắt tiền hay những nguyên liệu thực phẩm hiếm rồi về để trong tủ mà không sử dụng đến.
3. Không cập nhật giá cả sản phẩm thường xuyên
Với những sản phẩm bạn thường xuyên mua, việc nắm giá cũng rất quan trọng. Bởi chúng sẽ giúp bạn không bị "lừa" bởi những tấm bảng giảm giá, khuyến mãi bị đẩy giá lên cao rồi đem ra giảm kịch liệt.
4. Chọn thực phẩm gần nhất, ở phía ngoài cửa kệ
Nhân viên cửa hàng bật mí rằng, những thực phẩm tươi mới nhất được để ở phần sau cơ. Những sản phẩm ở phía rìa sát cửa kệ sẽ được ưu tiên cho sản phẩm sắp hết hạn.
5. Không quan tâm đến trọng lượng sản phẩm mà chỉ nhìn giá
Giả sử có 2 gói bơ với kích thước tương tự ở trên kệ hàng - 1 trong số đó có giá rẻ hơn chút chút. Và câu hỏi là bạn sẽ mua gói bơ nào?
Bạn đừng vội vàng khi chọn ngay gói bơ ít tiền hơn mà thay vào đó hãy kiểm tra trọng lượng sản phẩm. Từ đó, bạn sẽ biết được món đồ nào đắt hơn.
6. Mua hàng vào sáng sớm hoặc cuối tuần
Mọi người thường có thói quen đi mua hàng vào cuối tuần vì có nhiều thời gian nhưng giữa tuần là thời điểm mà nhiều món hàng thực phẩm có thời gian "sống" trên kệ ngắn như thịt, sữa tươi được giảm giá. Với nhiều loại rau, mua vào chiều tối thường rẻ hơn sáng sớm. Ngoài ra, nhiều hệ thống siêu thị tặng thêm điểm tích lũy nếu bạn mua sắm vào giữa tuần.
7. Không thử sản phẩm mới
Nhiều người trong chúng ta rất ngại thay đổi mua hàng ở 1 thương hiệu khác mà cứ "chung thủy" với 1 hãng. Tuy nhiên, hãy thử nghiệm sản phẩm mới này bởi nó không chỉ giúp bạn tiết kiệm 1 chút tiền, bởi hàng mới ra đều có chương trình khuyến mãi để hút khách, mà biết đâu bạn còn phát hiện ra nhiều món ăn ngon, khỏe mạnh hơn.
8. Quá lười dùng mã giảm giá
Mã giảm giá là một cách thức thu hút khách hàng của siêu thị và giúp người mua tiết kiệm được kha khá tiền bạc, chỉ cần bạn cố gắng để ý và lắng nghe thông tin.
9. Mua mọi thứ theo lượng lớn
Bạn có thể mua mọi thứ theo lượng lớn không có nghĩa là cái gì cũng mua theo lượng lớn, bởi bạn có thể lãng phí thức ăn (vì chưa kịp dùng đến đã hỏng) và nhà bạn sẽ giống như cái nhà kho. Hơn nữa, nếu bạn luôn xem giá tính theo đơn vị, bạn sẽ thấy nhiều loại thực phẩm đông lạnh hoặc ngũ cốc mua số lượng nhỏ sẽ rẻ hơn mua với lượng lớn.
(Theo GiadinhNet)