Hàng chục nghìn người Ai Cập đã kéo tới Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo
hôm 25/1 để kỷ niệm 1 năm cuộc nổi dậy lật đổ Hosni Mubarak khỏi ghế quyền lực.
TIN BÀI KHÁC:
Màn múa lửa ấn tượng thời Trung Cổ ở Đức
Phe trung thành với Gaddafi đánh chiếm một thành phố
Ai Cập đã trải qua 1 năm kể từ khi nổ ra làn sóng nổi dậy lật đổ Hosni Mubarak.
Người biểu tình thuộc nhiều địa phương và nhiều nhóm chính trị khác nhau, kêu
gọi giành công bằng xã hội, chống tham nhũng và nhanh chóng xét xử các nhân vật
của chế độ cũ.
Ở nhiều thành phố lớn khác như Alexandria cũng chứng kiến biểu tình trong cùng
ngày. Các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình và một số người hô khẩu hiệu
chống lại các nhà lãnh đạo quân sự trong khi những người khác lại ủng hộ quân
đội.
Phong trào ngày 6/4 dự định sẽ tiếp tục cuộc biểu tình ngồi cho đến khi các yêu
sách của họ được thỏa mãn, trong khi các cánh chính trị khác quyết định kết thúc
biểu tình.
Trong một bài phát hôm 25/1, Thủ tướng Kamal el-Ganzouri ca ngợi những người đã
hi sinh cuộc sống của mình vì lợi ích đất nước, cho tự do và công bằng xã hội.
Các cuộc biểu tình kéo dài từ ngày 25/1 đến 11/2 năm ngoái đã khiến khoảng 800
người thiệt mạng và 6.000 người bị thương.
Biểu tình trở nên phổ biến kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, gây ảnh
hưởng nặng nề đến kinh tế và du lịch đất nước. Hãng thông tấn chính thức MENA
dẫn lời Thủ tướng el-Ganzouri rằng Ai Cập cần các công dân của mình làm việc một
cách hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và dịch vụ... để họ có thể gặt
hái thành quả của một sự phân phối công bằng về thu nhập quốc gia.
Phiên xử ông Mubarak về các tội ra lệnh giết
người biểu tình và tham nhũng bắt đầu từ ngày 3/8 năm ngoái và vẫn đang tiếp
tục. Theo báo chí Ai Cập, nếu bị kết tội, ông này sẽ đối mặt với án tử hình.
Trong một thông báo đưa lên trang Facebook riêng
hôm 25/1, Hội đồng Tối cao Các lực lượng Vũ trang (SCAF) nói rằng "một năm đã
qua đi và còn nhiều thực tế sẽ được vạch trần khi chúng tôi trở lại các doanh
trại của mình... Khi các bí mật và thực tế được tiết lộ, người Ai Cập sẽ tự hào
về quân đội của họ".
SCAF cam kết sẽ "trở lại các đơn vị quân đội vào ngày 30/6, khi Ai Cập khoác
trên mình tấm áo của tự do và dân chủ".
Hiện vẫn còn nhiều chia rẽ trong dân chúng Ai
Cập. Nhiều người muốn ăn mừng kỷ niệm ngày nổ ra làn sóng biểu tình chống
Mubarak trong khi một số khác thấy chưa đạt được thành tựu nào và tuyên bố sẽ
tiếp tục chiến đấu.
Hạ viện mới được bầu của Ai Cập đã tổ chức phiên họp đầu tiên hôm 23/1. Các đảng
Hồi giáo giành được hơn 70% số ghế. Đảng Tự do và Công bằng chiếm 47% trong khi
Đảng Salafist Nour giành 24%.
Cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tổ chức vào giữa tháng 6 tới.
Thanh Hảo (Theo THX)