AT&T.jpg

Bài liên quan:

>> AT&T "nuốt chửng" T-Mobile với giá 39 tỷ USD

Có một điều khá bất ngờ là hầu hết các nhà phân tích thị trường lại nhìn vào thương vụ sáp nhập này bằng con mắt rất bi quan và cho rằng cả AT&T và T-Mobile đều “chẳng có ai chiến thắng”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là thị trường viễn thông di động Mỹ sẽ bị xáo trộn không ít và sẽ không chỉ có khách hàng là người chịu thiệt thòi.

Người tiêu dùng

Bấy lâu nay T-Mobile USA vẫn là hãng viễn thông di động “hiếu chiến” nhất trong cuộc đua tung ra các gói cước thoại và dữ liệu rẻ. Không chỉ để cạnh tranh với đối thủ Sprint Nextel về độ rẻ mà T-Mobile còn mong muốn dùng chính sách giá cước để cạnh tranh với những “ông lớn” như AT&T và Verizon.

Những sự cạnh tranh này đã khiến cho nhiều người dùng di động Mỹ cảm thấy rất hài lòng nhưng trong tương lai, khi cuộc đua chỉ còn lại Sprint, khó ai có thể đảm bảo rằng mức cước sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện nay. Có thể nói, người tiêu dùng chính là những kẻ thua cuộc đầu tiên trong vụ sáp nhập này.

Các hãng sản xuất di động

Trước khi T-Mobile bị thôn tính, các nhà sản xuất di động như HTC hay Motorola có tới 2 khách hàng để chào bán những mẫu máy sử dụng công nghệ GSM. Nhưng đến nay, khi chỉ còn duy nhất 1 khách hàng, các hãng di động sẽ mất quyền kiểm soát giá cả và lợi nhuận. Kể cả khi LTE trở thành chuẩn 4G toàn thế giới thì một thị trường được coi là lành mạnh và có tính cạnh tranh cao cũng cần có ít nhất 3 nhà mạng. Nhưng đến nay vẫn chưa rõ Sprint có đi theo LTE hay không hoặc là sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi WiMax như hiện nay.

Sprint Nextel

Theo hãng tin kinh tế Bloomberg, nhà mạng di động lớn thứ 3 của Mỹ đã từng tiến hành một số cuộc đàm phán để mua lại T-Mobile nhưng lời chào giá quá khủng của AT&T đã đẩy bật Sprint ra ngoài đồng thời đẩy họ xuống hàng “thấp cổ bé họng” nhất tính cả về quy mô, số băng tần nắm giữ…

Giờ đây, “cuộc chơi tay ba” đang tỏ  ra rất không công bằng với Sprint bởi chiến lược của AT&T và Verizon khá giống nhau và mang đặc điểm của một “đại gia” còn ở phía bên kia chiến tuyến, Sprint với chiến lược giá rẻ đang rất đơn độc. Sự mất cân bằng lực lượng này có thể còn khiến các nhà quản lý cấp nhà nước dễ dàng thiên vị hơn cho các đại gia.

Các nhà cung cấp thiết bị mạng

Cũng có số phận giống như các nhà sản xuất điện thoại di động, khi AT&T và T-Mobile “chung một mái nhà”, các hãng sản xuất thiết bị mạng như Alcatel-Lucent, Ericsson, Nokia Siemens… sẽ không còn điểm tựa để đàm phán trong các hợp đồng mới. Kết cục dễ nhận thấy nhất là họ sẽ bị AT&T ép giá và đành chịu nhìn lợi nhuận của mình sụt giảm.

Google

Nhiều nhà phân tích đã không ngần ngại chỉ ra rằng, kẻ thiệt hại nặng nề nhất trong thương vụ này chính là Google - hãng đang nắm quyền kiểm soát nền tảng di động Android rất ăn khách.

Đừng ngạc nhiên nếu sau này bạn thấy AT&T nhét ứng dụng và dịch vụ của chính họ vào các mẫu smartphone chạy Android. Đừng ngạc nhiên nếu sau này bạn thấy hãng viễn thông tồi nhất nước Mỹ (theo đánh giá của tạp chí tiêu dùng uy tín Consumer Reports) cố gắng xây dựng kho ứng dụng của riêng họ và buộc mọi người phải mua ứng dụng cho chiếc smartphone của mình thông qua đó.

Và khi đó, Google sẽ lâm vào cảnh "Cốc mò, Cò xơi".

Và dù có nhìn nhận thương vụ này theo góc cạnh nào đi chăng nữa thì đó cũng là một bước thụt lùi trong lĩnh vực sáng tạo của ngành viễn thông và là một tin buồn đối với người dùng. Hẳn nhiều người còn nhớ, T-Mobile chính là hãng viễn thông tích cực nhất trong các hoạt động sáng tạo. Họ đã tự nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm những công nghệ mới như UMA (Unlicensed Mobile Access), tự sản xuất các mẫu máy điện thoại di động và đang ngày càng trở thành một hãng viễn thông “thân thiện với người dùng” nhất. Còn với AT&T, cái mà họ nhắm đến có lẽ là sự độc quyền và chỉ là độc quyền.

Theo Business Insider