Theo phản ánh của ông Phạm Công Lập (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), năm 2018, UBND xã Tam Thăng xây dựng chợ tạm tại mảnh đất trước vườn nhà ông, từ đó tồn tại nhiều vấn đề như: Chợ không có nhà vệ sinh, không có nơi thoát nước thải cho các gian hàng thịt, cá, làm ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân xung quanh.

“Rác của chợ rất nhiều nhưng có khi cả tuần mới có xe thu gom rác. Vào lúc công nhân tại khu công nghiệp gần đó tan ca, dựng xe hết cả đường đi để vào chợ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho con cháu chúng tôi”, ông Lập phản ánh.

Hình ảnh chợ tạm ở thôn Vĩnh Bình được người dân gửi về tòa soạn. Ảnh. P.C.L.

Cùng với đó, ông Lập cũng phản ánh việc 2 công trình dựng trước nhà và nguyện vọng được tháo gỡ 2 công trình này.

Theo khảo sát của VietNamNet chiều 8/8, khu chợ tạm này dài khoảng 50m, vào khoảng 17h30, tình trạng công nhân tại khu công nghiệp Tam Thăng (cách chợ tạm khoảng 200m) tan ca, tấp vào chợ mua thức ăn tăng cao, xe máy để tràn xuống lòng đường...

Ám ảnh chợ tạm gây ô nhiễm

Trao đổi với VietNamNet sáng 9/8, Chủ tịch UBND xã Tam Thăng Nguyễn Quốc Sử cho biết, chợ tạm xã Tam Thăng được xây dựng để xử lý tạm thời phục vụ cho người dân và hơn 20.000 công nhân tại khu công nghiệp Tam Thăng gần đó.

“Việc ô nhiễm môi trường, rác thải chúng tôi đã bố trí thêm thùng rác, có hợp đồng với công ty môi trường đô thị tăng cường việc chở rác thải hàng ngày để hạn chế rác thải. Đồng thời, treo các biển cảnh báo để hạn chế người dân không vứt rác thải bừa bãi”, ông Sử nói.

Chợ tạm xã Tam Thăng dài khoảng 50m với 36 tiểu thương. Ảnh: Công Sáng

Vấn đề không có nhà vệ sinh dành cho các tiểu thương, ông Sử thông tin, UBND xã đã đi khảo sát nhiều vị trí nhưng không có địa điểm thích hợp để đặt nhà vệ sinh. Cuối cùng thống nhất với tất cả các tiểu thương sẽ đi vệ sinh tại quán cắt tóc gần đó và sẽ trả phí tại đây. Cùng với đó, tuyên truyền đến các tiểu thương việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi buôn bán của mình, tránh việc làm ảnh hưởng đến đời sống hộ dân xung quanh.

Việc ông Lập đề cập đến 2 công trình lắp ghép (lô 10, lô 11) trước nhà ông, ông Sử cho biết, UBND xã đã có báo cáo cụ thể đến UBND TP và UBND TP cũng đã có công văn trả lời ông Lập.

Ngày 7/6, UBND TP Tam Kỳ có văn bản trả lời đơn của ông Phạm Công Lập. Nội dung văn bản nêu rõ, khu vực chợ tạm thôn Vĩnh Bình thuộc quỹ đất công do UBND xã Tam Thăng quản lý và nằm trong quy hoạch vệt cây xanh theo quy hoạch phân khu 10 đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, do yêu cầu bức xúc giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân nên UBND xã Tam Thăng tạm thời sử dụng quỹ đất này để xây dựng chợ tạm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong vùng và công nhân Khu công nghiệp Tam Thăng.

Khoảng 17h30 hằng ngày, lượng công nhân đi làm về ngang qua đây để xe chiếm lòng, lề đường. (Ảnh chụp vào lúc 17h30 ngày 8/8). Ảnh: Công Sáng

Về những vấn đề ông Lập nêu ra, TP yêu cầu UBND xã Tam Thăng khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực chợ tạm này; yêu cầu bà con tiểu thương phải vệ sinh môi trường hằng ngày sạch sẽ. UBND xã phải phối hợp với Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Quảng Nam thu gom rác thải hằng ngày, không để phát sinh ô nhiễm.

“Về khu vực đất công đã đấu giá (lô số 10 và 11), UBND xã Tam Thăng thực hiện việc thu hồi, quản lý phần diện tích đất công bị lấn chiếm và tổ chức đấu giá cho thuê mặt bằng công khai, bảo đảm các quy định của pháp luật”, văn bản nêu.

Khi được hỏi về tình trạng giao thông ùn ứ, xe máy chiếm lòng đường tại ngôi chợ tạm này, ông Sử thừa nhận việc để xảy ra hiện trạng trên.

“Hiện trạng tắc đường bắt đầu khoảng từ 5h chiều khi lượng công nhân tại khu công nghiệp Tam Thăng khoảng 20.000 người tan ca, ra cùng 1 lần, lúc này sẽ diễn ra ùn ứ, đặc biệt ở khu chợ tạm này.

Chúng tôi cũng đã đề nghị các ngành xử phạt những trường hợp để xe dưới lòng lề đường, nhưng không xử lý triệt để được vì lượng người lưu thông tại đây quá lớn. Vấn đề trước mắt được chúng tôi đặt lên hàng đầu là việc xây dựng chợ mới, giúp giảm tải lượng lưu thông trên khu vực này”, lời ông Sử.

Hai công trình được dựng trước nhà ông Lập. Ảnh: Công Sáng

Về vấn đề hai công trình trước nhà ông Lập, Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho hay: “Trước đây, hộ gia đình ông Lập lấn chiếm vị trí đó cho người khác thuê. Khi tôi đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND xã Tam Thăng thì cho rà soát và thu hồi hết lại. Không chỉ riêng ông Lập, dọc vị trí này còn có một số địa điểm nữa. Đất này là đất công do xã quản lý...".

Sẽ giải tỏa chợ tạm?

Về hướng xử lý ngôi chợ tạm này, ông Lập thông tin, UBND xã đang kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ mới, giải tỏa ngôi chợ tạm để tránh ảnh hưởng đến môi trường, giảm tải lượng lưu trên khu vực này.

Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho biết, TP Tam Kỳ đã có chủ trương đầu tư dự án chợ trung tâm xã Tam Thăng giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Chợ mới sẽ cách chợ tạm này khoảng 500m, được quy hoạch với diện tích xây dựng khoảng 930m2 với các hạng mục như: khối nhà chợ chính, nhà xe, nhà vệ sinh và các hạng mục phụ trợ. Thời gian thực hiện trong năm 2022 đến 2023.

Tình trạng xe máy lấn chiếm lòng đường đã diễn ra từ lâu và vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Ảnh: Công Sáng

Chiều 10/8, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Trần Trung Hậu thông tin, vụ việc này TP đã chỉ đạo xã chịu trách nhiệm xem xét xử lý.

"Về việc xây chợ mới, hiện đang vướng về thủ tục đất đai, tỉnh vừa có chủ trương chuyển giao cho TP phối hợp triển khai. Hiện đang lập thủ tục chuyển kinh phí để hoàn trả về ngân sách tỉnh. Dự kiến trong năm nay sẽ khởi công và đến giữa năm 2023 hoàn thành" - ông Hậu thông tin.