Sáng 3/7, một nam thanh niên đi bộ trên cầu Phú Mỹ, hướng từ TP Thủ Đức về quận 7. Đến giữa cầu, nam thanh niên leo ra lan can cầu với ý định nhảy xuống sông tự tử. 

Khi đó, Tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT Nam Sài Gòn đang làm nhiệm vụ phân luồng giao thông qua cầu Phú Mỹ tại khu vực công trình sửa chữa hư hỏng khe co giãn đã kịp thời phát hiện, tiếp cận khuyên can. Các chiến sĩ CSGT đã động viên, trấn an tinh thần thanh niên này. Sau một hồi thuyết phục, thanh niên ổn định tâm lý, từ bỏ ý định rồi rời khỏi lan can cầu. 

Hình ảnh nam thanh niên có ý định nhảy cầu Phú Mỹ được CSGT khuyên ngăn kịp thời

Qua trao đổi với cảnh sát, thanh niên này cho biết, năm nay 22 tuổi, do buồn chuyện gia đình nên mới có ý định nhảy cầu tự tử. Thanh niên này tỏ rõ sự hối hận vì phút nguy nghĩ dại dột này.

Trước đó, trưa 12/6, tại khu vực cầu Sài Gòn cũng xảy ra trường hợp tương tự. Người đàn ông vì hoàn cảnh thất nghiệp, không có tiền thuê nhà, cuộc sống bế tắc đã quẫn trí nên có ý định nhảy cầu Sài Gòn để tự tử.

Người này được tổ công tác của Đội Tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM tiếp cận và ra sức khuyên nhủ, động viên, trấn an tinh thần và nên người này đã bình tâm trở lại.

Tuy nhiên, đây chỉ là hai trường hợp hiếm hoi được giải cứu ngay trước cánh cổng ‘tử thần’ trong vô số những người tìm đến những cây cầu ở Sài Gòn để giải thoát bản thân.

Có thời điểm, trong ba ngày liên tiếp, sông Sài Gòn xảy ra ba vụ nhảy cầu. Dù lực lượng chức năng đã tung quân để tìm kiếm, tuy nhiên, việc tìm kiếm cứu nạn ở dòng sông này rất khó khăn. 

Cụ thể, từ ngày 23 - 26/6/2021, có ba người đàn ông nhảy từ các cầu Bình Lợi, Sài Gòn, Bình Triệu xuống sông Sài Gòn tự tử. Phát hiện các vụ việc nêu trên, lực lượng chức năng gồm công an phường, quận và lực lượng thuộc phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM đều tích cực cử lực lượng, ứng cứu và triển khai lặn tìm nhưng đều bất thành.

‘Nhảy là vô phương cứu…’

Những năm qua, số vụ nhảy cầu tự tử tại TP.HCM liên tục tăng cao. Hầu hết các vụ việc diễn ra trên các cây cầu bắc ngang sông Sài Gòn. 

Đoạn sông Sài Gòn uốn lượn qua địa bàn tiếp giáp giữa TP Thủ Đức với quận Bình Thạnh được mang danh là “khúc sông chết chóc”. Đoạn sông này dài chừng 2km nhưng có nhiều công trình cầu vượt sông nổi tiếng như cầu sắt Bình Lợi, cầu Bình Lợi mới, Bình Triệu, cầu Kinh- Thanh Đa, cầu Sài Gòn...

Hình ảnh một thanh niên khác cũng được căn ngăn kịp thời và từ bỏ ý định nhảy cầu tự tử

Anh Minh (sống gần khu vực cầu Sài Gòn) cho biết, chừng một tháng trước, một thanh niên mặc quần đùi, áo khoác đỏ, tay cầm theo con dao đi lững thững trên cầu Sài Gòn. Đến khu vực giữa cầu, anh này bỏ dép lại rồi leo qua lan can bảo vệ cầu. Anh Minh cùng một số người phát hiện đã tiến lại gần can ngăn nhưng bất thành. 

“Thanh niên này không rõ buồn chuyện gì, trên tay cầm dao nên không ai dám lại gần. Anh ta xin một điều thuốc hút, rít vài hơi rồi buông tay rơi từ cầu xuống sông Sài Gòn và mất tích", anh Minh kể.

Theo anh Minh, đây chỉ là một trong vô số vụ tự tử xảy ra trên cầu Sài Gòn. Khúc sông này có nhiều dòng nước xoáy sâu và mạnh nên số vụ người nhảy cầu tự tử được cứu được rất hiếm hoi. Nhiều lúc, người dân quen sống lênh đênh sông nước nhưng vô tình chèo ghe gặp phải dòng nước xoáy còn bị nước cuốn đi, vất vả lắm mới thoát ra được.

Hình ảnh một thanh niên khác cũng được căn ngăn kịp thời và từ bỏ ý định nhảy cầu tự tử

“Nếu có người từ trên cao nhảy xuống thì chỉ có nước chết… nhảy xuống thường bị chìm sâu theo quán tính rồi bị dòng nước nhấn chìm luôn, không ngoi lên được để thở. Nếu nạn nhân có hồi tâm chuyển ý muốn sống, kêu cứu thì cũng không ai dám nhảy xuống cứu”- anh Minh nói.

Theo các chuyên gia tâm lý, trước khi nhảy cầu tự tử, nạn nhân đắm chìm trong tâm lý tiêu cực, mong muốn có một con đường giải thoát cho mọi bế tắc trong cuộc sống. Khi cảm xúc bị đẩy đến đỉnh điểm, suy nghĩ không còn sáng suốt, chỉ muốn kết thúc mọi phiền muộn mà mình đang mắc phải. Vì thế, nếu người thân, bạn bè không quan tâm và có sự theo dõi kịp thời, sự việc đáng tiếc sẽ xảy ra.