- Phó TBT báo điện tử Giáo dục Việt Nam Đào Ngọc Tước cho biết: “Không chỉ ăn cắp trắng trợn hàng trăm tin bài, khi chúng tôi yêu cầu giải thích, Trí Việt 24h còn lớn tiếng thách thức”.
Lấy cắp tin bài rồi đi… tống tiền?!
Giáo dục Việt Nam điện tử là tờ báo đầu tiên trong số những nạn nhân của trang thông tin điện tử Trí Việt 24h lên tiếng khi “tài sản” của họ là các bài báo bị “ăn cắp” mà không có bất cứ lời xin phép nào.
Luật sư Trần Đình Triển: Lấy tin bài từ các báo khác mà không xin phép là hành vi ăn cắp bản quyền trắng trợn |
“Những bài viết của báo điện tử Giáo dục Việt Nam bị trang thông tin Trí Việt 24h lấy về mà không hỏi ý kiến, không được sự chấp thuận là con số hàng trăm bài, không thể thống kê được” - ông Đào Ngọc Tước, Phó TBT báo Giáo dục Việt Nam điện tử trao đổi với VietNamNet.
Báo Giáo dục điện tử đã có văn bản gửi sang trang thông tin Trí Việt 24h nhưng không hề nhận được hồi âm.
“Tất cả những bài báo của chúng tôi bị lấy lại mà không có sự chấp thuận của chúng tôi. Chúng tôi cũng chưa bao giờ có hợp tác thỏa thuận thông tin gì với trang tin này. Khi chúng tôi có ý kiến sang, họ không có thiện chí khắc phục sửa đổi mà còn lớn tiếng thách thức”, ông Tước cho hay.
Những bài viết bị Trí Việt 24h lấy lại bao gồm nhiều thể loại ở các mục như Xã hội, Chính trị, Thời sự, Văn hóa, Quốc tế, thậm chí cả những tuyến bài điều tra.
Báo Giáo dục Việt Nam điện tử đang "phanh phui" sự việc trang tin Trí Việt 24h ăn cắp bài vở của mình, thậm chí còn sử dụng để đi tống tiền |
“Sau bài viết phản ánh về hành vi ăn cắp và thái độ vô văn hóa của một người được cho là quản lý trang 'Trí Việt 24h' có tên Tú Anh thách thức Bộ Thông tin - Truyền thông và A87 (Bộ Công an), báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của một số độc giả cho biết, Trí Việt 24h thường xuyên ăn cắp các thông tin kinh tế, pháp luật từ nhiều tờ báo khác nhau.
Mục đích là để khi những người có liên quan cần xử lý thông tin thì Trí Việt 24h sẵn sàng gây khó khăn, thậm chí tống tiền.
Đây là những hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, vì vậy cơ quan chức năng không thể làm ngơ.
Đại diện của Trí Việt 24h từng ép một đơn vị phải chi 50 triệu đồng để được xử lý thông tin mà trang này ăn cắp của báo khác” - ông Đào Ngọc Tước thông tin.
Sẽ kiến nghị lên cơ quan chủ quản
Báo Giáo dục Việt Nam điện tử sẽ kiến nghị lên cơ quan quản lý báo chí về trường hợp nội dung tin bài của mình bị Trí Việt 24h lấy cắp mà không xin phép.
Một điều khá hài hước, ở trang chủ của trang tin này, một dòng nhắc “Ghi rõ nguồn TriViet24h.vn khi bạn phát hành lại thông tin từ webside này” cũng được ghi như một sự thể hiện “bản quyền” cho những bài viết mà trang tin này “dùng chùa”.
Nhiều tờ báo chính thống, uy tín cũng bị Trí Việt 24h ngang nhiên lấy tin bài về mà không có sự xin phép hay thỏa thuận hợp tác riêng.
“Việc dẫn nguồn, trích dẫn lại tin bài từ các tờ báo khác không do mình trực tiếp sản xuất, ngoài việc phải được sự đồng ý từ những tờ báo đó, bài viết khi “click” vào dòng tiêu đề nó sẽ quay lại trang chủ của bài báo đó.
Tôi đã kiểm tra những bài báo mà trang thông tin này lấy lại vào sáng 3/11, tất cả những bài viết này đều nằm yên ở vị trí trang tin mà không quay về trang chủ. Phía dưới bài viết, họ có ghi lại nguồn là theo báo này hay báo khác. Đó chỉ là cách “lách luật” vì bạn đọc ít người để ý đến tác giả bài viết.
Bài viết vẫn nằm trên trang của họ, mặc nhiên có thể hiểu đó là sản phẩm do họ tạo nên. Đó là hành vi ăn cắp bản quyền trắng trợn”- luật sư Trần Đình Triển chỉ ra.
Chiều 3/11, khi những hành vi “ăn cắp” tin bài của Trí Việt 24h được các tờ báo chính thống phản ánh, trang thông tin này vẫn hoạt động, và vẫn liên tục cập nhật tin bài từ các tờ báo khác, với cách thức không đổi.
Thái Bình