Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Pallam Raju tuyên bố, Trung Quốc có thể tự khẳng định nhưng Ấn Độ sẽ bảo vệ các quyền của mình.

Ấn Độ: Con hổ tỉnh giấc thách thức Trung Quốc

Tranh cãi của Trung Quốc về các quyền của họ ở Biển Đông và thông tin quân đội nước này xâm nhập tại Ladakh có thể là cách để Trung Quốc tự khẳng định mình, nhưng Ấn Độ sẽ bảo vệ các quyền của mình một cách “mạnh mẽ”, Bộ trưởng  Pallam Raju nói.

"Tôi nghĩ giống như bất kỳ quốc gia nào muốn khẳng định quyền của mình, tôi đoán Trung Quốc cũng đang cố gắng làm như vậy… Là một nước, chúng tôi có quan điểm rất rõ về các quyền và lợi ích của mình. Chúng tôi sẽ bảo vệ các lợi ích ấy rất mạnh mẽ”, ông Raju khẳng định trước báo giới ở New Delhi.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Pallam Raju. Ảnh: iiss

Bên lề một cuộc họp hải quân, vị bộ trưởng này đã được yêu cầu bình luận về các cuộc xâm nhập gần đây của quân đội Trung Quốc tại Ladakh và việc nước này cảnh báo phản đối các công ty Ấn Độ thăm dò dầu khí tại Biển Đông.

Ông Raju tuyên bố:  "Là một quốc gia, chúng tôi sẽ làm bất kỳ điều gì để bảo vệ lợi ích của mình... ở đây không có sự dè dặt”.  Tuy nhiên, ông cũng thúc giục báo chí tập trung vào những điểm tích cực trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, ông nói: "Chúng ta có ràng buộc kinh tế lớn với Trung Quốc và chúng ta cần tập trung vào những điểm tích cực”. Ông Raju cho hay, hai nước có những điểm khác biệt và đang nỗ lực đối thoại để giải quyết vấn đề.

Giải pháp đa phương cho tranh chấp Biển Đông

Ở một tin tức khác liên quan tới tranh chấp Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua cho biết, một “bộ quy tắc hành xử” có tính ràng buộc để giải quyết tranh chấp lâu dài ở Biển Đông cần có sự tham gia của nhiều nước, chứ không chỉ Trung Quốc hay Philippines.

"Có nhiều bên tuyên bố chủ quyền với các khu vực tranh chấp, nên bộ quy tắc hành xử có tính ràng buộc cần dựa trên cơ sở đa phương”, ông nói.

Biển Đông được tin là vùng biển giàu tài nguyên dầu khí, là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc khẳng định chủ quyền lớn nhất, bao trùm hầu hết vùng biển.

Philippines và Việt Nam đã mạnh mẽ phản đối về hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông đầu năm nay, khi tàu Trung Quốc nhiều lần quấy nhiễu, làm hư hại các tàu cá, tàu thăm dò của hai nước.

Một tổ chức tư vấn Australia đã cảnh báo, các vụ việc ở Biển Đông có thể dẫn tới chiến tranh tại châu Á. Trung Quốc thiên về các cuộc đàm phán song phương với từng nước tuyên bố chủ quyền trong vùng biển, không có vai trò dành cho bên ngoài kiểu như Mỹ. Giới phân tích coi đây là chiến lược “chia để trị” của Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, ông Aquino cho hay, ông và lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nhất trí về việc cần có một bộ quy tắc hành xử có tính ràng buộc ở Biển Đông khi hai bên tìm kiếm tháo gỡ căng thẳng tại khu vực tranh chấp. Trước đó vào năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký kết một thoả thuận giải quyết tranh chấp Biển Đông nhưng các quy định đưa ra không mang tính ràng buộc.

Thái An (theo ET, interaksyon)