Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), thời gian qua tỉnh An Giang đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ, kết nối hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực.

Cùng với đó, công tác quản lý thị trường được đẩy mạnh đã góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng.

Tỉnh cũng tích cực thông qua tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân và mọi thành phần kinh tế nhận thức được tầm quan trọng, ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Năm 2023, các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh và cấp huyện tổ chức tuyên truyền triển khai thực hiện Cuộc vận động được 875 cuộc với hơn 67 nghìn lượt người tham dự.

Đặc biệt, tỉnh tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.         

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), UBND thị xã Tịnh Biên tổ chức Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang; tổ chức sự kiện Sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng; Ngày hội sản phẩm đặc trưng - nổi tiếng An Giang và các vùng miền tại Châu Đốc. Triển khai thực hiện 5 phiên chợ, 4 chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP tỉnh tại các địa phương.   

Ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP và kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các điểm dừng chân du lịch; tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các Hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế.

Đồng thời, đưa sản phẩm OCOP An Giang lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP tham gia đăng ký thông tin, bán hàng qua các trang TMĐT, tham gia các kênh bán hàng TMĐT trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến...      

B14 A2_An Giang.jpg
Cổng thông tin điện tử Hỗ trợ doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang (Dautuangiang.vn)

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước và hoạt động của các DN. UBND tỉnh đã cụ thể hóa, kịp thời triển khai đưa vào thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN thông qua các kế hoạch, đề án: Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, phát triển kinh tế tư nhân, ban hành chương trình xúc tiến đầu tư, đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử Hỗ trợ doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang (Dautuangiang.vn);

Thực hiện công khai, minh bạch các danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; các danh mục dự án đầu tư, tiềm năng cơ hội đầu tư, cũng như chính sách ưu đãi đầu tư.  

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Quản lý thị trường, Thanh tra các Sở, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngoài ra, thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động quảng cáo trên báo chí, truyền hình, internet, mạng xã hội. Qua đó kịp thời phối hợp, kiên quyết xử lý những hoạt động quảng cáo sai sự thật, không đảm bảo chất lượng, giúp người tiêu dùng an tâm với chất lượng các sản phẩm của Việt Nam được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp với Sở Công Thương và UBND thị xã Tịnh Biên tổ chức lễ phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình 100 chuyến hàng Việt về nông thôn năm 2023. 

Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với một số siêu thị triển khai chương trình. Đến cuối tháng 11/2023, đã hoàn thành 100 chuyến hàng Việt về nông thôn, doanh số ước đạt 760 triệu đồng, trên 98.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.

Đến nay, người dân ở các vùng nông thôn đã khá quen thuộc với chương trình này. Các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt được bày bán bắt mắt, thông tin sản phẩm đầy đủ, phong phú, đa dạng, giá cả thấp hơn thị trường 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp thị hiếu... Hiện hàng Việt đã chiếm hơn 80% số lượng sản phẩm được bày bán tại chợ ở nông thôn, tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng: lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm,...

Năm 2024, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện Cuộc vận động với 5 nội dung chính. Trong đó, ưu tiên tăng cường thông tin, tuyên truyền để Cuộc vận động đi vào cuộc sống; hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy mạnh mẽ vai trò các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam. Thúc đẩy ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ Việt Nam có chất lượng tốt; quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam và các DN, cơ sở sản xuất trong nước có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.