Thói quen ăn mặn sẽ gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe như cao huyết áp, xương yếu, hại thận.
Muối là gia vị không thể thiếu khi chế biến các món ăn, tuy nhiên việc nêm nếm quá nhiều có thể gây ra nhiều biến chứng liên quan đến sức khỏe. Trên thực tế, sử dụng gia vị muối hợp lý trong nấu ăn thôi chưa đủ bởi các thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn cũng chứa khá nhiều muối mà nếu không để ý kỹ, chính bạn cũng không nhận ra.
Một muỗng cà phê thường chứa khoảng 2.000 mg natri, trong khi đó lượng muối phù hợp cần cung cấp cho cơ thể người là 2.300 mg mỗi ngày. Chúng ta rất dễ hấp thu quá lượng này mà không hề hay biết.
Chế độ ăn uống nhiều muối có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
Khát nước
Ăn nhiều muối sẽ làm bạn luôn trong tình trạng cảm thấy khát nước vì muối phá vỡ sự cân bằng chất lỏng trong các tế bào. Lượng muối dư thừa trong cơ thể sẽ đẩy nước ra khỏi tế bào đi vào máu, khiến não gửi tín hiệu đến cơ thể báo hiệu rằng nó đang cần nước.
Sưng phù chân tay
Ăn quá mặn sẽ gây tích tụ chất lỏng ở tay và bàn chân, gây sưng phù hơn so hơn bình thường. Trong y học, nó còn được gọi là phù nề, rất có hại với những người bị bệnh thận hoặc huyết áp cao.
Đầy hơi và đau bụng
Muối dư thừa tích tụ chất lỏng trong cơ thể, đầy hơi ở bụng. Tác động này khiến chúng ta cảm thấy khó chịu và không thoải mái. Lớp dịch tích tụ sẽ làm tăng khối lượng máu và gây áp lực nặng nề hơn lên tim, gây rủi ro cho những người bị huyết áp cao.
Thèm ăn đồ mặn
Lượng muối dư thừa trong cơ thể làm tăng cảm giác thèm ăn thực phẩm mặn. Thói quen ăn mặn cũng sẽ khiến hương vị của các loại thực phẩm khác trở nên nhạt nhẽo.
Cao huyết áp
Muối gây tích tụ các chất lỏng trong cơ thể, khiến khối lượng máu trong mạch máu gia tăng. Điều này sẽ làm tăng áp suất của máu, gây áp lực lên tim, não và thận và tăng huyết áp.
Xương yếu
Lượng muối thừa gây thất thoát canxi ở xương qua đường nước tiểu, khiến xương trở nên yếu và giòn hơn. Phụ nữ bước vào giai đoạn sau mãn kinh càng cần tránh ăn quá nhiều muối.
Ảnh hưởng đến thận
Thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ nước dư thừa ra ngoài cơ thể khi tích tụ quá nhiều muối. Vì canxi trong xương bị thất thoát và có trong nước tiểu nên lượng canxi vốn bị đào thải sẽ tích tụ trong thận, dẫn đến dễ hình thành sỏi thận.
(Theo Congluan)