Ngày 13/2, Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục - nơi từng gây bao phẫn uất cho phụ huynh phải mua sách giáo khoa (SGK) giá cao cùng 3 đồng phạm bị khởi tố, bắt giam. Nhưng con số mà nhóm “cấu kết” với nhau để nâng giá chênh lệch nhằm ăn tiền Nhà nước, móc túi nhân dân mới gây ra sự phẫn nộ.

Tỷ lệ chiết khấu của sách giáo khoa là 25% bị kết luận là cao, chưa hợp lý so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác. Ảnh: Thanh Hùng

Theo cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2014-2019, Công ty CP giấy Phùng Vĩnh Hưng của Tô Mỹ Ngọc cũng bị bắt cùng vụ với Thái đã trúng thầu hơn 83,1% số lượng giấy của NXB Giáo dục, tương ứng hơn 1.890 tỷ đồng. Mới chỉ kiểm tra xác suất một số hợp đồng, cơ quan chức năng phát hiện giá giấy mà công ty này bán cho NXB cao bình quân gấp 1,7 lần giá nhập khẩu, với số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng.

Đây có phải là vụ “Việt Á giáo dục” hay không thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ và sớm đưa vụ việc ra ánh sáng rõ ràng, công khai hơn. Nhưng chỉ với những con số kinh hoàng trên thì ai cũng hiểu chênh lệch như thế, vống cao như vậy rồi cũng đổ lên đầu phụ huynh. Giận dữ đã từ lâu, bức xúc cũng khá nhiều và công luận nhiều lần lên tiếng. Nhưng kêu than nhiều năm trời, bức xúc từ ngoài đời vào đến nghị trường ròng rã sao đến giờ mới lộ mặt? Câu hỏi nhức nhối này không chỉ phụ huynh mà dân chúng cũng cần được rõ sớm.

Chính Thanh tra Bộ Giáo dục đã từng cho biết: “Tỷ lệ chiết khấu của sách giáo khoa là 25% bị kết luận là cao, chưa hợp lý so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác. Kết quả kiểm tra, xác minh tại Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho thấy giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, hạch toán của đơn vị này có sai sót dẫn đến gia đình học sinh phải mua giá cao. Mức giá mà người dân phải mua bị xác định cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng ký đúng giá với số tiền hơn 85 tỷ đồng!”.

Riêng kết quả điều tra đến nay xác định Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách, cùng với 3 bị can còn lại vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Sau khi trúng thầu, ông Nguyễn Đức Thái, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy được nhận lợi ích vật chất từ bà Tô Mỹ Ngọc.

Những kết luận và thông tin bước đầu diễn ra ở NXB Giáo dục – ‘lò chính’ sản xuất ra sách để hàng chục triệu học sinh buộc phải dùng với giá cao - phần nào cho thấy “lỗ hổng” quá lớn. Họ gần như độc quyền và được nuông chiều, dung túng để rồi sai phạm chất chồng. Liệu rằng Thái và cấp dưới cùng đồng phạm có “nuốt trôi” từng đó hay còn ai nữa? 4 bị can vừa sa lưới có đủ sức tự tung tự tác để gây ra đại án này? Đó mới chính là những gì dư luận muốn biết và chắc chắc cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong tương lai gần.

Đã từ lâu những lo ngại và cả nghi ngờ “lợi ích nhóm” đã len lỏi và rộ lên ở nhiều nơi. Nhưng chứng cứ đâu và vụ án nào để rõ ràng bức xúc ấy thì đến nay mới lộ ra dù chỉ một góc. Còn ai dính dáng nữa không và làm thế nào để những đồng tiền mồ hôi nước mắt của phụ huynh, chắt bóp của dân nghèo không thành tài sản chất đống cho các quan tham - có lẽ là điều đang được quan tâm nhất.

Ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục dù đã ‘hạ cánh’ về hưu nhưng không còn an toàn và kết cục hôm nay là cái giá phải trả cho những đồng tiền bẩn. Tín hiệu ấy không chỉ tỏ rõ sẽ trừng trị đích đáng những kẻ như Thái, đồng phạm mà còn cảnh báo ai đó có ý định tương tự khi mà tham nhũng dù cấp nào, cũng bị đưa ra ánh sáng, bị loại trừ.

Hà Phan