Bộ GD-ĐT vừa ban hành kết luận thanh tra Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam. 

Theo đó, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong các hoạt động của đơn vị này.

Cụ thể, NXB Giáo dục Việt Nam được tổ chức theo mô hình Hội đồng thành viên (HĐTV), tuy nhiên, trong năm 2015, nhiều nội dung nghị quyết của HĐTV được ban hành không thống nhất với biên bản cuộc họp, không rõ cơ sở ban hành; một số nội dung thảo luận, được biểu quyết nhất trí 100% thông qua, ghi trong biên bản họp nhưng không được đưa vào nghị quyết của HĐTV.

Đáng chú ý, ông Mạc Văn Thiện, thời gian giữ chức Chủ tịch HĐTV đã kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ủy viên HĐQT tại ba công ty thành viên, vi phạm Luật Doanh nghiệp.

Đối với ông Vũ Văn Hùng, khi làm Tổng Giám đốc chưa thực hiện việc ký các văn bản bổ nhiệm cán bộ theo thẩm quyền; chưa báo cáo với Bộ GD-ĐT các thiếu sót, hạn chế trong thực hiện mối quan hệ giữa HĐTV với Tổng Giám đốc…

{keywords}
Nhiều sai phạm trọng hoạt động của NXB Giáo dục Việt Nam.

Việc tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, thực hiện chế độ tiền lương của NXB Giáo dục Việt Nam cũng có nhiều sai phạm.

Qua kiểm tra 11 hồ sơ tuyển dụng hai năm 2015 và 2016 cho thấy, công ty này chưa thực hiện đúng quy chế tuyển dụng, bổ nhiệm như: không thông báo tuyển dụng theo quy định; Chủ tịch HĐTV ký một số văn bản trái quy định, không đúng thẩm quyền.

Ngoài ra, kiểm tra 21 hồ sơ bổ nhiệm tại NXB Giáo dục Việt Nam và các đơn vị trực thuộc, từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2016, có 13 quyết định bổ nhiệm được Chủ tịch HĐTV ký không đúng thẩm quyền…

Đối với công tác quản lý tài chính, theo kết luận thanh tra, tại thời điểm 31/12/2015, NXB Giáo dục Việt Nam có vốn đầu tư tại 54 công ty với tổng giá trị 548,4 tỷ đồng.

Trong đó, có 18 công ty (vốn đầu tư hơn 192,1 tỷ đồng) hoạt động không hiệu quả, không có cổ tức để chi trả. Tại thời điểm 31/12/2016, NXB Giáo dục Việt Nam có vốn đầu tư tại 52 công ty, với tổng giá trị đầu tư hơn 546,5 tỷ đồng thì có 17 công ty (vốn đầu tư hơn 178,4 tỷ đồng) không chi trả cổ tức. Như vậy, việc góp vốn đầu tư của NXB Giáo dục Việt Nam vào nhiều công ty không hiệu quả, có những công ty hoạt động thua lỗ trong nhiều năm.

Đáng chú ý, thực hiện đề án tái cơ cấu, NXB Giáo dục Việt Nam đã tăng vốn đầu tư tại một số công ty trái với quyết định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, tăng vốn cao hơn mức được phê duyệt tại: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam, từ 16,6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng; Công ty cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội, từ 6,3 tỷ đồng lên 7,188 tỷ đồng. Công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông phải giữ nguyên vốn góp 5,1 tỷ đồng thì lại được NXB Giáo dục Việt Nam tăng thêm 4,712 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Sách thiết bị trường học Tiền Giang phải thực hiện thoái vốn thì NXBGD Việt Nam lại tăng vốn 0,274 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Sách giáo dục Hà Nội phê duyệt tăng vốn 30,8 tỷ đồng nhưng chỉ tăng 17,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Hà Nội phê duyệt tăng 19 tỷ đồng nhưng chỉ tăng 5,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong công tác thoái vốn, năm 2015 theo kế hoạch phải thoái vốn tại 36 công ty, nhưng đến 31/12/2016 vẫn còn 32 công ty chưa thực hiện thoái vốn thành công. Việc thực hiện thoái vốn chậm có nguyên nhân do nội dung nghị quyết HĐTV lần thứ chín năm 2015 trái với đề án đã được phê duyệt.

Bất minh ở các dự án đầu tư

Trong quản lý, đầu tư dự án xây dựng trụ sở làm việc NXB Giáo dục tại số 104 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM, NXB Giáo dục Việt Nam không trình Bộ GD-ĐT phê duyệt theo quy định.

Quá trình triển khai dự án, NXB Giáo dục Việt Nam đã chấp thuận để hai công ty con góp vốn vào kinh doanh bất động sản; phê duyệt đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng tòa nhà văn phòng 10 tầng, khi thời hạn được giao sử dụng đất chỉ còn bảy năm. Mặt khác, công trình thuộc dự án lại cho thuê toàn bộ; quá trình giao đơn vị ký hợp đồng lòng vòng, thiếu minh bạch…

Đối với dự án xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng trên toàn bộ diện tích sàn sử dụng 5.619,5 m2 tại 187B Giảng Võ, quận Đống Đa (Hà Nội), năm 2008, NXB Giáo dục Việt Nam ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Xây dựng sông Hồng để hợp tác thực hiện. Sau đó, NXB Giáo dục Việt Nam ký hợp đồng liên doanh với Công ty cổ phần Xây dựng sông Hồng và hai công ty khác để thành lập Công ty cổ phần Đầu tư IP Việt Nam (Công ty IP) vốn điều lệ 100 tỷ đồng, để đầu tư dự án trên (NXBGD Việt Nam góp vốn 41%, do ông Mạc Văn Thiện làm Chủ tịch HĐQT).

Sau đó, NXB Giáo dục Việt Nam ký với Công ty IP hợp đồng thỏa thuận nhận 95 tỷ đồng để thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng đất của dự án. Tuy nhiên, sau gần mười năm triển khai dự án vẫn chưa được khởi công, NXB Giáo dục Việt Nam chưa nhận được đủ số tiền theo thỏa thuận nhưng lại phải đi thuê văn phòng làm việc bằng vốn đi vay; việc góp vốn, nhận ủy thác góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng trong các công ty con…

Cùng với thiếu sót, sai phạm nêu trên, Công ty Đầu tư tài chính Thiên Hóa (Công ty Thiên Hóa) được thành lập năm 2009, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng (vốn góp của NXBGD Việt Nam là hơn 68,7 tỷ đồng), đến năm 2011 có nghị quyết giải thể.

Tuy nhiên, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn đầu tư hơn 13,7 tỷ đồng vào để mua cổ phần của các cá nhân. Ông Mạc Văn Thiện làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Hóa đồng thời lại là đại diện NXBGD Việt Nam ký nhiều hợp đồng vay vốn với chính Công ty Thiên Hóa, số tiền hơn 136,3 tỷ đồng, lãi suất trung bình 15%/năm.

Ngoài ra, theo nghị quyết của HĐQT, ngày 9/1/2010, ông Mạc Văn Thiện đã ký quyết định cho bà Huỳnh Thị Thanh Hiền vay 14 tỷ đồng, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khách sạn số 38 Hoàng Diệu, TP Đà Nẵng nhưng sau đó lại phê duyệt cho bà Hiền mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không thông qua HĐQT) dẫn đến việc không thu hồi được khoản vay của bà Hiền hơn 15,5 tỷ đồng (cả gốc và lãi).

Ngày 10/1/2017, Bộ GD-ĐT có Công văn số 79/BGDĐT-KHTC gửi NXB Giáo dục Việt Nam tạm dừng mua sắm, thanh lý, nhượng bán tài sản, chuyển nhượng vốn đầu tư, thoái vốn đầu tư. Ngày 11/1/2017, Công ty Đầu tư tài chính giáo dục (công ty thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam) và các đơn vị vẫn bán ba lô đất ở Đà Nẵng với giá trị hơn 42,5 tỷ đồng. Theo kết luận thanh tra, việc ông Mạc Văn Thiện, Chủ tịch HĐTV chỉ đạo bán ba lô đất tại cuộc họp HĐTV trước đó không đúng thẩm quyền; ngày 13/1 vẫn ký công văn báo cáo Bộ GD-ĐT chưa có thông tin về việc bán ba lô đất trên...

Với hàng loạt những sai phạm, kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT khẳng định trách nhiệm thuộc ông Ngô Trần Ái, nguyên Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc; ông Mạc Văn Thiện, nguyên Chủ tịch HĐTV; ông Vũ Văn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc; và một số thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc NXBGD Việt Nam…

Kết luận thanh tra đã kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức liên quan các sai phạm nói trên.

Theo Nhân Dân