- Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống, dinh dưỡng như tiểu đường, gút, … đã phải nhập viện ngay sau kì nghỉ Tết.

Sướng miệng, khổ thân

Bị tiểu đường tuýp 2, bà Thanh (62 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) thực hiện chế độ ăn kiêng khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên suốt 7 ngày Tết vừa qua, bà ăn vặt khá nhiều, bánh kẹo thức ăn đều ngon nên bà không kiềm chế được.

Hậu quả là tối mùng 6 Tết, đường huyết của bà tăng cao. Bà phải gọi điện cho bác sỹ xin tư vấn, hướng dẫn và dùng thuốc để ổn định tình hình.

{keywords}
Ăn uống không giữ miệng ngày Tết khiến nhiều người nhập viện. Ảnh minh họa

Với bệnh nhân tiểu đường, do mức độ nhạy cảm của bệnh liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống nên việc phải cấp cứu hoặc xin ‘trợ giúp’ giữa những ngày nghỉ Tết không phải chuyện hiếm, dù trước kì nghỉ họ đã được các bác sỹ tư vấn dặn dò kĩ lưỡng.

Bệnh nhân gút cũng không khá khẩm hơn. Rất nhiều người đang bình thường nhưng chỉ vì ham vui, quên bệnh để mải ăn uống nhậu nhẹt nên các đốt chân, tay sưng vù, đau nhức không chịu nổi. Có bệnh nhân khi tái khám sau Tết đã ở tình trạng ‘ngồi yên một chỗ’, di chuyển trên xe vì chân đau không nhấc lên được.

Khốn khổ không kém là bệnh nhân mắc bệnh trĩ. Chị L. ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết mẹ chồng chị bị trĩ 1 năm nay, đã chữa nhưng chưa khỏi hẳn. Mấy ngày Tết, dù thực hiện chế độ ăn theo tư vấn của bác sỹ nhưng rau xanh gần như không có, thức ăn chủ yếu là bánh chưng, giò, thịt, cá các loại. Đến mùng 4 Tết, bệnh trĩ trở nặng khiến mẹ chồng chị phải đến một bệnh viện tư khám, chữa trị trong tình trạng đau rát, táo bón nghiêm trọng.

Ồ ạt nhập viện sau Tết

Trao đổi với VietNamNet, bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Phương Mai (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết trong thời gian nghỉ Tết thì bệnh viện tương đối nhàn rỗi vì bệnh nhân không nằm viện, chỉ có những bệnh nhân năng ở lại điều trị. Còn sau Tết bắt đầu bệnh nhân ồ ạt đến và có sự dao động rất lớn.

Bệnh nhân thường đến nhập viện với nhiều tình trạng như: bị tăng đường máu quá cao do trong dịp tết mọi người ăn ngon miệng, cả nể uống rượu, ăn không kiểm soát.

Tình trạng hạ đường huyết xuất hiện ở không ít bệnh nhân do ăn uống không đúng giờ, ăn vặt bánh chưng, bánh kẹo… gây cảm giác không muốn ăn dẫn đến bỏ bữa.

Ngoài ra, những người bị tiểu đường trong mùa rét cơ thể có sức đề kháng kém nên dễ bị viêm nhiễm, dẫn đến viêm phổi. Những người bị tiểu đường bị biến chứng thần kinh khi sưởi trong mùa rét cũng rất dễ bị bỏng dẫn đến viêm loét, tổn thương bàn chân.

Theo BS Mai, quan trọng nhất là bệnh nhân phải kiểm soát được mức độ đường huyết ngay từ đầu trong giới hạn cho phép. Các yếu tố liên quan như mỡ máu, huyết áp cũng phải được kiểm soát tốt. Bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống sinh hoạt tập thể dục, uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh và tránh được nhiều biến chứng.

Bùi Lan - Thục Anh