- Nhiều người nghĩ ăn tiết canh rồi uống rượu sẽ diệt được vi khuẩn liên cầu hoặc chỉ ăn lợn ốm mới mắc bệnh, tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Chia sẻ tại hội nghị Phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân sáng nay, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vào dịp trước và sau Tết, các bệnh liên quan đến đường ăn uống như cúm gia cầm, liên cầu lợn, ngộ độc rượu là những nguy cơ lớn nhất.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu |
Với liên cầu lợn, ông Phu cho biết trong năm qua cả nước có 90 trường hợp mắc, giảm 23 ca so với 2015, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Riêng Hà Nội có hơn 10 ca mắc, 1 trường hợp tử vong.
Theo ông Phu, đây là căn bệnh mắc không nhiều nhưng tỉ lệ các ca nặng có di chứng và tử vong rất cao. Song dù được tuyên truyền nhiều nhưng thói quen ăn tiết canh và các sản phẩm thịt ngày lễ, tết của người Việt vẫn tăng cao.
Chưa kể hiện nay số lượng đàn gia súc không ngừng tăng, đồng nghĩa tỉ lệ cá thể mang liên cầu khuẩn ngày càng lớn, di chuyển thông thương Nam - Bắc ngày càng nhiều nên nguy cơ bùng phát, lây lan liên cầu lợn rất lớn.
"Bệnh này tỉ lệ tử vong rất lớn nhưng người Việt mình còn chủ quan, thậm chí nhận thức sai lầm. Nhiều người nghĩ ăn tiết canh vô tư rồi uống rượu thì sẽ không mắc bệnh vì rượu là axit, uống vào sẽ diệt được hết vi khuẩn liên cầu", ông Phu dẫn chứng.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng kể thêm, có người còn nghĩ chỉ ăn lợn ốm, lợn bệnh mới lo mắc liên cầu, còn ăn tiết canh lợn nhà, lợn cắp nách thì vô tư.
"Đây là sai lầm vô cùng lớn. Chúng ta đừng chết do thiếu hiểu biết vì trong một đàn lợn luôn có số lượng nhất định các cá thể mang bệnh mà mắt thường không thể nhìn thấy", ông Phu nhấn mạnh.
Ông đề xuất, với các sản phẩm tươi sống như tiết canh cần có các chế tài đủ mạnh để kiểm soát, có thể cấm bán.
PGS Phu khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm thịt tươi sống để tránh bệnh liên cầu |
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân có diễn biến cực kỳ nhanh gây suy đa phủ tạng, viêm màng não mủ, giảm thính lực (chiếm 40%), 20% bị điếc vĩnh viễn và các di chứng thần kinh.
Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất lớn nếu bị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm não. Thời gian điều trị 3-4 tuần, thậm chí kéo dài 2 tháng với chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đáng lưu ý, liên cầu lợn không tạo ra miễn dịch vĩnh viễn, những trường hợp mắc rồi vẫn có thể mắc lại.
Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh để phòng liên cầu lợn và các bệnh giun, sán khác.
Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Thúy Hạnh