Bệnh viện “không giấy tờ”
Tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, mỗi người đều được phát một thẻ y tế thông minh. Sau khi được cấp thẻ khám bệnh thông minh, người bệnh chỉ cần quẹt thẻ để đăng ký khám bệnh tại kios đăng ký khám tự động, sẽ có các thông tin về số phòng khám, số thứ tự; đồng thời kết nối với phần mềm quản lý tổng thể của đơn vị, khi người bệnh đăng ký khám sẽ hiển thị số thứ tự chờ khám tại vị trí các phòng xét nghiệm, X.quang, siêu âm... Đến nay, bệnh viện đã cấp được trên 350.000 thẻ.
Với sự thay đổi này, hiện các hoạt động khám bệnh của bệnh viện được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, rút ngắn tối đa quy trình tiếp nhận, giảm thời gian chờ đợi từ 30 phút xuống 1 phút. Các y, bác sĩ chỉ cần đăng nhập bệnh án điện tử là tra cứu được tiền sử, quá trình chữa bệnh của người bệnh, giúp quá trình khám, chữa bệnh hiệu quả hơn.
Tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Bãi Cháy), bệnh nhân đến chụp X.quang, chụp cắt lớp CT, cộng hưởng từ MRI..., bác sĩ không cần chờ in phim nhựa, mà có thể truy cập kết quả hình ảnh bằng máy tính hay điện thoại, với hệ thống PACS. Hệ thống PACS là hệ thống lưu trữ, truy xuất, quản lý, phân phối và trình chiếu hình ảnh được ngành Y tế Quảng Ninh đầu tư từ dự án bệnh viện thông minh. Các thông tin về tiền sử bệnh tật của người bệnh đều được lưu trữ và có thể tra cứu trong những lần khám bệnh sau này.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, người dân có thể theo dõi thông tin phản hồi bệnh nhân, thông tin khoa dược, số lượng khám bệnh, thời gian chờ… thông qua màn hình điện tử. Các xét nghiệm ở đây cũng nhanh chóng, kết quả chính xác hơn nhờ hệ thống xét nghiệm tự động tiên tiến.
Quảng Ninh bắt đầu triển khai mô hình y tế thông minh từ năm 2017. Đến nay, tỉnh đã có 3 bệnh viện thông minh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Các bệnh viện tăng cường ứng CNTT, tiến tới bệnh viện “không giấy tờ”, đồng thời nâng cao năng lực điều hành và hiện đại hóa cho các bệnh viện. Từ đó góp phần rút gọn được quy trình khám, chữa bệnh, giảm bớt phiền hà cho người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài 3 bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện và thí điểm triển khai module Bệnh án điện tử, các đơn vị y tế khác trong tỉnh cũng thực hiện thuê phần mềm và đầu tư một phần hạ tầng CNTT để triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh.
Người dân hưởng lợi
Với mô hình bệnh viện thông minh, bệnh nhân là người đầu tiên được hưởng lợi khi chất lượng khám chữa bệnh tăng lên, thời gian chờ đợi lại giảm xuống. Đối với đội ngũ y tế, mô hình này cũng giảm bớt áp lực làm việc, đơn vị y tế cũng cắt giảm nhiều chi phí.
Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành triển khai tiếp giai đoạn 2 của mô hình y tế thông minh. Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ triển khai xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu y tế phục vụ kết nối liên thông dữ liệu y tế trong toàn tỉnh (liên thông kết quả cận lâm sàng, dữ liệu sức khỏe toàn dân); triển khai sổ khám bệnh điện tử phục vụ người bệnh tiến tới mô hình bệnh viện không giấy tờ; hiện đại hóa hạ tầng CNTT, trang thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và hệ thống phần mềm lưu trữ, truyền tải hình ảnh y tế (PACS).
Ngành y tế Quảng Ninh cũng chú trọng nâng cấp hệ thống hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine); xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân. Đặc biệt là tăng cường đào tạo, thu hút nhân lực CNTT, nhân lực y tế chất lượng cao để triển khai các nội dung và mục tiêu của các dự án y tế thông minh.
D.A